
Bánh mì Việt và hành trình “biến tấu” vươn xa
Không chỉ là món ăn đường phố nổi danh thế giới, bánh mì Việt giờ đây còn liên tục được các nghệ nhân ẩm thực biến tấu đầy sáng tạo, độc đáo, chinh phục khẩu vị đa dạng, hấp dẫn thực khách bằng những phiên bản mới lạ, độc đáo hơn bao giờ hết.
Nhắc đến ẩm thực Việt, bên cạnh phở, bún chả, không thể bỏ qua bánh mì, món ăn vốn rất bình dân nhưng lại là biểu tượng tự hào, được vinh danh trên toàn thế giới. Vào năm 2011, bánh mì Việt Nam chính thức được ghi nhận vào từ điển Oxford (OSP) như một danh từ riêng, minh chứng rõ rệt cho vị thế và sức ảnh hưởng ngày càng lớn của món ăn đặc biệt này.
Từ vị thế một món ăn đơn giản của người dân lao động, bánh mì Việt Nam đã được nâng tầm trở thành đặc sản quốc tế. Nhiều thương hiệu bánh mì trong nước cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng, không ngừng đầu tư vào chất lượng, nghiên cứu và sáng tạo nhiều phiên bản mới hấp dẫn.
Điển hình trong số đó là thương hiệu bánh mì của ông Kao Siêu Lực – một trong những cái tên tiên phong trong việc đa dạng hóa hương vị và làm phong phú thực đơn. Theo chia sẻ của đại diện thương hiệu này: “Người Việt Nam có khẩu vị rất đa dạng. Là nhà sản xuất bánh mì, chúng tôi luôn suy nghĩ, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm mới lạ, vừa bắt mắt vừa ngon miệng, đồng thời đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho người dùng.”
Thật vậy, ông và đội ngũ của mình đã thành công khi sáng tạo nhiều loại bánh mì mới, tiêu biểu như bánh mì chà bông, bánh mì xúc xích, bánh mì râu bông, đáp ứng sự thay đổi không ngừng trong thị hiếu ẩm thực.
Để mang đến những chiếc bánh mì thơm ngon, giòn rụm, các nhà sản xuất ngày nay áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất. Quy trình sản xuất bánh mì gồm nhiều công đoạn như trộn bột, nhồi bột, định hình bánh rồi nướng bằng máy móc hiện đại giúp nâng cao sản lượng và ổn định chất lượng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của những người thợ lâu năm, kinh nghiệm của họ vẫn đóng vai trò then chốt trong các công đoạn quan trọng như ủ bột, nhồi bột để bánh ngon và có độ giòn hoàn hảo.
Một ổ bánh mì chuẩn Việt không chỉ có lớp vỏ giòn thơm, ruột bánh phải mềm dai, đàn hồi tốt, không bị khô cứng hay nát vụn khi cắn vào. Đây là bí quyết làm nên dấu ấn khó phai trong lòng thực khách, giữ chân họ quay trở lại nhiều lần.
Không dừng lại ở bánh mì kẹp thịt truyền thống, nhiều biến thể mới của bánh mì đã lần lượt xuất hiện, nổi bật nhất trong số đó chính là bánh mì nướng muối ớt – một món ăn từng tạo nên trào lưu “hot trend” gây sốt trong cộng đồng giới trẻ thời gian gần đây.
Bánh mì nướng giòn, quết đều lớp nước sốt muối ớt đậm đà, kết hợp với các topping đa dạng, kích thích vị giác mạnh mẽ. Món ăn này nhanh chóng chiếm được cảm tình của thực khách bởi hương vị hấp dẫn và độc đáo, vừa lạ vừa quen.
Điểm nhấn sáng tạo tiếp theo là bánh mì chấm ca cao tại quán Ca Cao Bà Tám, nằm dưới hiên chung cư Trần Bình Trọng, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Món ăn vặt độc đáo này nhanh chóng trở thành địa điểm yêu thích của rất nhiều thực khách.
Theo chia sẻ của bà Tám – chủ quán: “Tôi bán món ca cao truyền thống từ năm 1996. Đặc biệt, chúng tôi dùng hạt ca cao vừa khô, nấu cùng đường thốt nốt, khi ăn kèm bánh mì nóng giòn thì thực khách nào cũng rất thích.”
Hương vị béo ngậy từ ca cao hòa quyện cùng bánh mì giòn thơm đã chinh phục không chỉ thực khách lớn tuổi mà còn hấp dẫn cả giới trẻ. Một khách hàng trẻ tuổi hào hứng chia sẻ: “Con rất thích bánh mì chấm ca cao, món này lạ miệng, ngọt béo vừa phải. Hầu như tuần nào con cũng xin ba mẹ dẫn đi ăn.”
Thông qua những biến tấu sáng tạo không ngừng, bánh mì Việt không chỉ giữ vững vị trí trong trái tim người Việt mà còn ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Mỗi phiên bản mới lại mang đến những trải nghiệm ẩm thực đặc sắc, làm phong phú thêm nền văn hóa ẩm thực đa dạng của đất nước, tạo cảm hứng cho người trẻ về một món ăn dân dã nhưng đầy sức hút.