Vì sao nước mắm Phú Quốc ngon nhất Việt Nam?
Nước mắm có màu cánh gián đậm, trong và mùi thơm nhẹ rất đặc trưng, vị mặn ngọt có hậu béo của đạm đã tạo ra ưu thế tuyệt đối của nước mắm Phú Quốc.
Vì sao nước mắm Phú Quốc ngon nhất Việt Nam, vì sao du khách được nghe một cái tên rất lạ nhà thùng sản xuất nước mắm. Đó là những câu hỏi mà cần tìm lời giải đáp khi đến với Phú Quốc.
Vùng biển xung quanh đảo Phú Quốc có nhiều rong biển và phù du làm thức ăn cho các loài cá cơm, nên có nguồn lợi cá cơm rất lớn. Việc sử dụng nguồn lợi này để làm nước mắm ở Phú Quốc đã có bề dày lịch sử hơn 200 năm.
Ở Phú Quốc cá cơm có từ đầu năm đến cuối năm, nhưng nhiều nhất và tốt nhất là từ tháng 7 đến tháng 12. Hầu hết các nhà thùng nước mắm đều có tàu riêng đánh bắt cá cơm để phục vụ sản xuất.
Nếu như rượu vang Phương Tây phải ủ trong thùng gỗ sồi, thì nước mắm Phú Quốc bắt buộc phải ngâm ủ trong thùng gỗ bời lời, loại cây gỗ chỉ có tại rừng Phú Quốc. Hoặc không có thì có thể thay thế bằng gỗ vên vên hay gỗ chai. Với sự tinh tế trong cách chế biến cùng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, khí hậu tuyệt vời cho nghề làm nước mắm. Nên nước mắm đã nổi danh, từ năm 1969 cơ sở sản xuất Hưng Thành đã xuất khẩu nước mắm sang Tây Âu và Mỹ.
Sau năm 1975 việc xuất khẩu bị gián đoạn một thời gian, sau năm 1996 khi trải qua công đoạn kiểm tra khắt khe, Hưng Thành là đơn vị đầu tiên được bộ Thủy Sản và Liên Minh Châu Âu cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU HACCP.
Điểm khác biệt của nước mắm Phú Quốc là có nhiều quy trình chế biến độc đáo hơn so với các địa phương khác. Trong đó phải kể đến cộng đoạn đầu tiên khi lưới cá vừa được kéo cặp mạn tàu, cá sẽ được loại bỏ tạp chất, rửa bằng nước biển, sau đó trộn ngay với tỷ lệ 3 cá 1 muối rồi đưa xuống hầm tàu. Cách ướp cá tươi như vậy nhằm giữ cho thịt cá không bị phân hủy, nước mắm có hàm lượng đạm cao nhất.
Khi tàu cá cập bến, chượp được đưa vào thùng gỗ để ủ sau khi đặt vĩ và rải một lớp muối dày trên mặt thùng. Quy trình ủ chượp tiêu chuẩn ở Phú Quốc là 12 tháng, cá biệt có thể lên đến 15 tháng. Sau thời gian này nước mắm mới được kéo rút, bằng phương pháp kéo rút nước mắm phơi, đổ lại vào thùng mắm cái nhiều lần. Một số nhà sản xuất ở Phú Quốc cho ra sản phẩm có độ đạm tới 40% là độ đạm cao nhất bằng cách chế biến tự nhiên, với 10 tấn cá cơm sẽ cho ra khoảng 10 nghìn lít nước mắm 20% độ đạm.
Cho tới nay tại Phú Quốc có 10 cơ sở sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nước mắm sang Châu Âu. Đây là những thị trường khó tính đòi khỏi khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng những người làm nước mắm đã chinh phục được bằng truyền thống hơn 200 năm và sự kỹ càng trong chế biến.
Từ việc mỗi năm sản xuất khoảng vài chục nghìn lít, Phú Quốc tăng sản lượng nước mắm lên 10 triệu lít. Nhưng phương pháp vẫn giữ đúng truyền thống. Tuy sản lượng như thế nhưng nước mắm Phú Quốc cũng chỉ đáp ứng đủ 1/10 nhu cầu sử dụng ở Việt Nam. Nước mắm có màu cánh gián đậm, trong và mùi thơm nhẹ rất đặc trưng, vị mặn ngọt có hậu béo của đạm đã tạo ra ưu thế tuyệt đối của nước mắm Phú Quốc.
Các món ăn Việt Nam hiện tại đã hoàn thiện qua quá trình hàng nghìn năm và ngày nay tiếp tục được biến đổi để phù hợp với điều kiện sống. Nếu như trước đây nước mắm nguyên chất chỉ hiện diện trong bữa ăn của người Việt, thì nay hương vị thân thương đó đã chinh phục thế giới, trở thành biểu tượng của ẩm thực Việt.
Từ Bắc đến Nam, trong mỗi gia đình, ở các quán hàng, cho đến các sự kiện ẩm thực lớn đều có sự hiện diện của nước mắm. Đặc biệt với món ngon của từng vùng miền thì không thể thiếu được vị mặn ngọt từ cá muối này. Bát phở Hà Nội, món gỏi cá trích Phú Quốc, bánh xèo tôm nhảy, gỏi cuốn đều ẩn hiện hương vị nước mắm. Người Việt cũng không thể thống kê bao nhiêu loại nước chấm khác nhau trên khắp đất nước, bởi bao nhiêu món ăn thì sẽ có ngần đó loại nước chấm đi kèm, theo cách thức món nào nước chấm đó. Dù ở mỗi vùng miền bát nước chấm mang hương vị khác nhau, nhưng sự đậm đà tinh tế đó là triết lý nhân sinh của người Việt ngàn đời nay vẫn không thay đổi.