Làm giàu từ con dế
Khi trào lưu thưởng thức các món ăn chế biến từ côn trùng lan truyền từ châu Âu sang Châu Á, thì ở Việt Nam lại xuất hiện một kỹ thuật nuôi dế thương phẩm được nhiều người áp dụng và cho hiệu quả cao. Được sử dụng nhiều trong các thực đơn nhà hàng và đây là món ăn khoái khẩu giàu dinh dưỡng hợp với khẩu vị của nhiều người.
Về xã Suối Dây huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh, hỏi Vĩnh “dế” (chủ cơ sở chăn nuôi và chế biến Oanh Vĩnh) do anh Hồ Đắc Vĩnh làm chủ thì ai cũng biết. Bởi anh Vĩnh là một trong những người đầu tiên ở Tây Ninh thành công với mô hình nuôi thương phẩm.
Năm 2005 anh Vĩnh bắt đầu nuôi lứa đầu tiên, giống mà anh Vĩnh nuôi là giống Thái Lan. Lúc đầu anh Vĩnh chỉ nuôi khoảng số lượng 20 chuồng, chủ yếu để cung cấp dế cho những người nuôi chim kiểng.
Trong quá trình nuôi anh nhận thấy nếu chỉ nuôi để làm thức ăn cho chim thì số lượng bán ra sẽ không được nhiều. Chính vì lẽ đó anh Vĩnh đã quyết định chuyển hướng qua mô hình nuôi thương phẩm. Đối với dế thương phẩm có nhiều cách chế biến để thành các món ăn ngon như chiên giòn, chiên bột, kho tiêu, đổ bánh xèo… trong đó món xào sả ớt rất hấp dẫn, mới nhìn thôi đã ghiền.
Tùy từng món chúng ta sẽ ướp dế với những nguyên liệu phù hợp, nhờ đó đáp ứng đúng tiêu chí ngon sạch bổ. Món dế xào sả ớt đã trở thành đặc sản có mặt ở nhiều quán nhậu, nhà hàng sang trọng. Chính mùi thơm riêng biệt cùng vị béo béo giòn tan khi ăn đã đưa món này trở thành đặc sản được ưa chuộng nhất trong các món về côn trùng.
Hiện nay ngoài xuất tươi thương phẩm ra thị trường, anh Vĩnh còn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị lò sấy để sản xuất thành phẩm như sấy sả ớt, sấy bơ tỏi ăn liền, bột… hiện các sản phẩm này đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đã có mặt trên thị trường, được bày bán tại một số cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đồng thời khách hàng cũng có thể đặt mua sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử như Postmart, Lazada, Shopee và được giao hàng đến tận nhà.
Khi đã có chỗ đứng trên thị trường, anh Vĩnh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.