Hồi sinh gốm Nam Bộ xưa
  1. Home
  2. NUÔI TRỒNG-SẢN XUẤT
  3. Hồi sinh gốm Nam Bộ xưa
editor 4 năm trước

Hồi sinh gốm Nam Bộ xưa

Không cần sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, nhưng những người thợ lão luyện gốm của vùng đất Nam Bộ xưa kia vẫn làm ra những sản phẩm có độ tròn đều tuyệt đối và hài hòa. Điều này cho thấy họ là những người thợ khéo léo và khối óc sáng tạo vô biên.

Với sự giao lưu và tiếp nhận rất nhanh về kỹ thuật sản xuất của người Hoa, những nghệ nhân Nam Bộ đã cho ra đời 2 dòng gốm chính là gốm gia dụng gốm mỹ thuật. Thời điểm thịnh vượng nhất của gốm Nam Bộ là vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Với những thương hiệu nổi danh như gốm Cây Mai, gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu.

Những thương hiệu này do các lò gốm sản xuất, không chỉ đa dạng về chủng loại kích thước, cách trang trí, mang tính mỹ thuật cao, màu men nguyên thủy, hoa văn trang trí đa dạng gần gũi với sinh hoạt đời sống cộng đồng. Vì thế gốm Nam Bộ xưa kia được khắp Nam Kỳ lục tỉnh và cả thị trường nước ngoài ưa chuộng.

Nhưng cách đây khoảng hơn 10 năm, nghề gốm thủ công ở vùng đất Sài gòn, Biên Hòa, Lái Thiêu gần như mai một bởi chất lượng sản phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường. Hầu hết các cơ sở gốm đều đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất, tạo nên hoa văn tinh xảo, màu men tươi tắn, dần dà các sản phẩm gốm Nam Bộ gần như vắng bóng trên thị trường cũng như trong suy nghĩ của mọi người.

Với mong muốn tìm lại và lưu giữ những giá trị về nghề gốm thủ công. Anh Khang Minh đã thành lập và đưa vào hoạt động khu vườn nhà gốm ở phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An tỉnh Bình Dương. Khu vườn là nơi phục dựng các công đoạn tạo tác gốm xưa. Sau 4 năm hoạt động, vườn nhà gốm đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm có kích thước, chất liệu, hình dáng, màu men, hoa văn không khác gì những dòng gốm nổi tiếng lừng danh của Nam Bộ một thời.

Những chiếc bình sau khi tạo tác ra sẽ đến với công đoạn vẽ hoặc khắc tùy vào từng chủng loại và sự sáng tạo của nghệ nhân. Nếu là dụng ý tạo dòng gốm có hoa văn đắp nổi, người thợ sẽ phải quan sát độ khô vừa phải của chiếc bình mà nặn thêm những phần cánh hoa, nhụy hoa, lá rồi gắn vào từng vị trí của chiếc bình sao cho đảm bảo về mặt kỹ thuật, đạt về mặt thẩm mỹ. Đây được xem là công đoạn khó trong quá trình tạo nên dòng sản phẩm mang tính nghệ thuật này.

Trước kia các nghệ nhân Nam Bộ đã sáng tạo ra cách khắc các họa tiết để trang trí lên các sản phẩm gốm. Đây là kỹ thuật tạo nên những nét khắc tự do phóng khoáng in khuyết vào sản phẩm. Công đoạn này đã góp một phần không nhỏ vào làm cho sản phẩm gốm trở nên đẹp hơn, độc đáo hơn ở khâu hoàn tất.

Vẽ họa tiết hoa văn bằng tay cũng là một đặc trưng của dòng gốm Nam Bộ xưa. Nét bút có chút phóng khoáng, đường nét không quá sắc sảo, độ uốn lượn phải tự nhiên, đặc biệt màu sắc hoa văn phải có chút nguyên thủy với những gam màu chủ đạo là màu da lươn, xanh lam, xanh đồng trổ bông, màu nâu… để có được những gam màu này Vườn nhà gốm đã trải qua một quá trình nghiên cứu tới vài năm cùng với sự tâm huyết của một nghệ nhân yêu nghề.

Ở bất cứ dòng gốm nào, màu men là thứ tạo nên thương hiệu và nhiều người cứ nghĩ màu men cổ xưa của gốm Nam Bộ đã bị thất truyền. Nhưng khi tận mắt nhìn thấy những sản phẩm gốm mang dáng dấp cổ xưa này người ta đã thấy nó hồi sinh. Đó là thành quả của nghệ nhân Dương Trọng Nhân, anh đã dành ra rất nhiều thời gian nghiên cứu để cho ra những màu men giống với sắc men của gốm Nam Bộ xưa. Có những gam màu phải pha từ nhiều loại bột khác nhau và người pha phải biết đong đếm đầy đủ hài hòa mới đạt được tiêu chí về màu sắc và đảm bảo độ co giữa xương gốm và men gốm sau khi nung.

Mỗi dòng gốm ở Nam Bộ đều có nét đặc trưng riêng ở hình thức trang trí bên ngoài. Ví dụ gốm Lái Thiêu chủ yếu là trang trí vẽ các con vật, hoa lá, chim muông trên các sản phẩm gia dụng như bát, tô, chén, dĩa, ống đũa… các hoa văn này không chỉ gần gũi với đời sống con người mà còn mang những ý nghĩa tốt đẹp và may mắn. Nếu các sản phẩm vẽ là thế mạnh của gốm Lái Thiêu thì khắc lại là lối trang trí đặc trưng của gốm Biên Hòa. Mà nổi bật là hình ảnh bách hoa và dây lá nhiều màu sắc. Còn gốm Cây Mai là sản phẩm thể hiện kỹ thuật đắp nổi, tức là nắn đất thành hình rồi dán lên các sản phẩm gốm tạo nên các hình khối hoa lá chim muông một cách rõ nét và đặc sắc.

Những năm qua các sản phẩm của Vườn Nhà Gốm đã được nhiều khách hàng và người dân trong vùng biết đến. Nhiều người còn cho rằng nơi đây giống như một bảo tàng gốm thu nhỏ gợi nhớ những tinh hoa của nghề gốm thủ công. Đến với vườn nhà gốm du khách còn được xem những nghệ nhân lão luyện trình diễn nặn những tuyệt tác gốm trong gốm. Ngoài ra Vườn Nhà Gốm có không gian để du khách trải nghiệm các công đoạn nặn gốm theo ý tưởng và tài năng sáng tạo của mình.

Vườn Nhà Gốm đang thực hiện phương châm thổi hồn gốm xưa vào gốm hiện đại để tạo nên một không gian hoài cổ, những ai sống trong thời vàng son của gốm Nam Bộ xưa kia sẽ thấy yêu quý những người thợ kỳ công nghiên cứu và tái tạo các công đoạn làm gốm cổ xưa ở nơi này. Mong rằng theo dòng chảy của thời gian, những dòng sản phẩm gốm mang sắc thái hoài cổ do họ tạo tác sẽ ngày một đến gần hơn với đời sống người dân thời hiện đại. Và những tinh hoa gốm sứ một thời của cha ông sẽ còn đọng mãi trong tâm hồn của lớp lớp cư dân Nam Bộ đến muôn đời sau.

5 lượt xem | 0 bình luận

Bạn thấy bài viết mang lại giá trị?

Click ngay để cảm ơn tác giả!

Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar