Bí ẩn gốm Chu Đậu
  1. Home
  2. Gốm Sứ - Mỹ Nghệ
  3. Bí ẩn gốm Chu Đậu
editor 4 năm trước

Bí ẩn gốm Chu Đậu

Từ lâu Chu Đậu được nhiều người biết đến là di chỉ rất nổi tiếng trong lịch sử. Thế nhưng gốm Chu Đậu cho đến nay vẫn còn mang những bí ẩn chưa được khám phá, giải mã.

Gốm Chu Đậu là dòng gốm cao cấp có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ XIII, XIV. Phát triển rực rỡ vào thế kỷ thứ XV, XVI. Sang thế kỷ thứ XVII gốm Chu Đậu bị thất truyền do cuộc chiến phong kiến Trịnh – Mạc tại Châu Nam Sách. Gốm Chu Đậu có những nét đặc trưng riêng của Chu Đậu và cũng là những nét đặc trưng của người Việt.

Ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia gốm – Công ty CP Gốm Chu Đậu: “Gốm Chu Đậu đẹp về dáng, sáng về men, hoa văn họa tiết làm lay động trái tim người, mang cái hồn cốt và đặc trưng văn hóa của người Việt”

Để có được một sản phẩm gốm là cả một quá trình sản xuất với nhiều công đoạn và mỗi công đoạn đều được làm một cách tỉ mỉ. Từ các viên đất được các nghệ nhân chọn lựa kỹ càng, được mang vào máy nghiền nhuyễn thành hồ, rồi qua nhiều công đoạn trộn ủ để loại bỏ tạp chất tạo ra độ trắng tinh khiết và có sự kết dính tốt nhất.

Đất được ủ ít nhất là 6 tháng, nhiều thì vài năm. Tương truyền rằng thời xưa các cụ lấy những bể đất này làm của hồi môn cho con. Song song với việc làm đất là làm khuôn, đây là khâu quan trọng để hình thành nên kiểu dáng của sản phẩm. Mỗi sản phẩm được tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật, nên được người nghệ nhân làm tỉ mỉ từng công đoạn.

Thông thường gốm cổ được người nghệ nhân trút bằng tay, nhưng gốm Chu Đậu từ xa xưa người đã biết cách đổ khuôn cho sản phẩm. Qua vài công đoạn sản phẩm mẫu được hình thành và được mang đi nhân bản thành những chiếc khuôn giống nhau. Qua vài tháng được ủ, đất lỏng hay còn gọi là hồ được mang ra đổ vào khuôn. Để một thời gian nhất định đất lỏng sẽ khô lại và tạo thành hình của sản phẩm. Sau một thời gian được đưa ra khỏi khuôn và mang đi căt gọt để thành sản phẩm thô.

Sản phẩm này được đưa tới xưởng vẽ, một xưởng của những nghệ nhân tài hoa. Với đôi bàn tay khéo léo, sản phẩm thô được khoác lên mình một bộ áo mới với những hoa văn mềm mại mà mạnh mẽ, tỉ mỉ mà rất bay bổng.

Công đoạn vẽ được đánh giá cao nhất và cũng là công đoạn khó nhất không phải ai cũng làm được. Chính những hoạ tiết mang hồn cốt dân tộc này là đặc trưng của gốm Chu Đậu và nó cũng thể hiện sự tinh hoa của dòng gốm này. Chỉ những họa tiết tưởng chừng như đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa của cuộc sống.

Vẽ xong được đi phun men, lớp men này sau khi nung sẽ giữ cho màu của gốm tồn tại mãi với thời gian.

Men làng gốm Chu Đậu có khác biệt so với các làng gốm khác. Men được làm từ trấu, trấu cũng được lựa chọn rất tỉ mỉ rồi mang đốt lên lấy tro trấu. Tro trấu được nghiền và hòa trộn với một số vật liệu khác làm ra men gốm. Sản phẩm phun men xong được mang tới lò nung với nhiệt độ trên 1.000 độ. Lò nung cho ra những sản phẩm gốm rắn chắc, bền đẹp.

Sản phẩm nung xong lại được đưa về xưởng vẽ để tiếp tục một công đoạn nữa đó là vẽ vàng, từng họa tiết được vẽ lên một lớp vàng rồi chúng lại được nung lên một lần nữa để tạo nên màu sắc óng ánh.

Trải qua nhiều công đoạn với những đôi bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân. Từng sản phẩm gốm Chu Đậu đã ra đời và được xuất khẩu khắp nơi trên thế giới. nói đến gốm Chu Đậu chúng ta không thể không tự hào nhắc đến những nghệ nhân như Đặng Huyền Thông, Bùi Thị Hý, Vương Quốc Doanh đã khai sinh ra dòng gốm hoa lan đặc trưng cho gốm thời Hậu Lê, cũng là thành tựu huy hoàng của gốm sứ mỹ nghệ nước nhà.

Địa danh gốm Chu Đậu đã lụi tàn nhưng phong cách gốm Chu Đậu vẫn gìn giữ bởi những người thợ tài hoa trên đường di tán. Tại Bát Tràng có một chi của dòng họ Vương từ Chu Đậu chuyển đến từ cuối thế kỷ thứ XVI. Trong gia phả họ Vương còn ghi chép lại dòng họ Vương ở xã Đặng Xá, Huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách lấy nghề gốm làm nghiệp. Sau có một chi di cư về xã Bát Tràng huyện Gia Lâm, cụ Vương Quốc Doanh là người đỗ đạt có công cùng các dòng họ khác làm hưng thịnh dòng gốm sứ Bát Tràng.

Những nghệ nhân quê hương Chu Đậu có trái tim đầy nhiệt huyết và bàn tay tài ba đã thổi hồn vào đất để đất hóa thành các sản phẩm mang hồn thiêng của quê hương xứ sở.

Nguồn: VTV

0 lượt xem | 0 bình luận

Bạn thấy bài viết mang lại giá trị?

Click ngay để cảm ơn tác giả!

Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar