Thịt chua Hòa Bình
  1. Home
  2. Miền Bắc
  3. Thịt chua Hòa Bình
editor 2 năm trước

Thịt chua Hòa Bình

Thịt chua là món ăn đặc sản của người Mường. Được nhiều người yêu thích nhờ cái vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì hòa cùng vị thơm chua của thính vừa lên men, vị chát của lá cây rừng và vị cay cay của tương ớt. Khiến ai một lần thưởng thức rồi sẽ không thể nào quên.

Nói đến Phú Thọ, Hòa Bình, chúng ta nghĩ ngay đến vùng đất của người dân tộc Mường. Với một nền văn hóa có bề dày lịch sử.

Cùng với đó thì các món ăn đặc trưng cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Mường. Nếu có dịp dừng chân ở các bản Mường, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức vô vàn món ngon như xôi nương, bánh uôi, cơm lam, thịt gà nấu măng chua… và trong đó có một món ăn đặc sản được rất nhiều người yêu thích đó là món thịt chua, sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2022.

Theo những người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, thì món thịt lợn muối chua chỉ là cách để người dân bảo quản thịt được lâu hơn, rồi dần dần trở thành món ăn truyền thống của người Mường. Thịt chua ăn thường được xuất hiện trong những dịp lễ Tết, hội hè, cưới hỏi và dùng để tiếp đãi khách quý đến chơi nhà.

Với đặc trưng vùng núi của tỉnh Hòa Bình, lợn được nuôi theo hình thức thả rông ở rừng đồi. Những người dân bản xứ đã sáng tạo được biết bao món ăn ngon như nướng, thui, thịt heo gác bếp… và đem thịt lợn muối chua được chế biến khá kỳ công và phải chuẩn bị kỹ lưỡng mới có được đặc trưng vốn có của xứ Mường.

Đầu tiên, việc tìm nguyên liệu thịt là quan trong nhất. Bởi thịt chua có ngon có thơm có ngọt hay không phụ thuộc vào công đoạn chọn thịt.

Thịt lợn sau khi thái miếng đem ướp với riềng khô, giã nhỏ muối rồi trộn với men lá rừng, rượu nếp cái hoa vàng. Phải trộn thật đều tay để thịt lợn được thấm với gia vị. Gạo rang vàng khô rồi giã thành bột, tỏa ra một mùi thơm phức. Sau đó mang mang thịt vào hủ để ủ rồi rải bột gạo rang trộn muối. Cứ một lớp thịt lại xen kẽ một lớp bột gạo. Khi cho thịt vào hủ phải nén thật chặt để ép không khí ra ngoài, làm như vậy thịt lên men được dễ hơn và món thịt chua sẽ ngon hơn.

Sau thời gian 1 đến 2 tuần. Men rượu, men lá và riềng sẽ ngấm hết vào từng thớ thịt mang đến vị mặn mặn chua chua cho món ăn. Thịt chua càng để lâu càng ngon, mùi vị càng đặc trưng hơn.

Đặc biệt, thịt lợn muối chua phải giữ được màu vàng ươm của bột gạo ôm trọn những miếng thịt tươi ngon hấp dẫn. Miếng thịt phải có được vị ngậy giòn của bì, vị bùi của thịt, vị mặn của muối, vị thơm của thính gạo và vị chua của men lá rừng.

Ấn tượng của khách khi tới nhà là chủ nhà bưng ra một mâm thịt lợn muối chua với một rổ các loại lá như lá mơ, lá sung, đinh lăng, lộc vừng… Cuốn một miếng thịt muối chua vào trong một lớp lá rừng sẽ cảm nhận được vị bùi bùi cay của riềng, vị chua ngọt hòa lẫn vị mặn ăn rất lạ miệng.

Mặc dù ngày nay có rất nhiều món ăn đặc sản ngon. Nhưng với món thịt chua thì vẫn giữ được bản sắc riêng, được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ. Sản phẩm đã có mặt trên nhiều kệ hàng của các cửa hàng đặc sản, siêu thị lớn khắp cả nước.

1 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar