Khô trâu Miền Tây
Khác với khô bò, khô nai hay thịt trâu gác bếp của người Tây Bắc, khô trâu là một món đặc sản ở vùng sông nước Miền Tây, mùi vị thơm ngon khá lạ miệng mà lại rất tiện dụng.
Trâu là loài vật gắn bó mật thiết với người nông dân trong việc đồng áng, không những tận dụng sức trâu trong việc cày cấy mà thịt trâu còn rất bổ dưỡng với tỷ lệ đạm, sắt có trong thịt rất cao. Tại huyện Thạnh Trị tỉnh Sóc Trăng vài chục năm về trước nguồn thịt trâu dồi dào nên người dân nơi đây đã tận dụng làm món khô trâu. Với mùi vị đặc trưng không những lạ miệng mà còn kéo dài thời gian bảo quản.
Một trong những cơ sở sản xuất khô trâu đầu tiên nổi tiếng từ những năm 1985 ở Sóc Trăng là cơ sở Sáu Sành. Bén duyên với nghề vào một dịp rất tình cờ, bắt đầu số lượng nhỏ từ vài chục kg đến cả trăm kg mỗi năm. Từ 2010 loại khô này tạo được chỗ đứng trên thị trường khô trâu trong và ngoài tỉnh, khách hàng gần xa biết đến ngày càng nhiều. Đến nay số lượng bán ngày một tăng, bình quân khoảng 2 tấn mỗi năm.
Để khô trâu ngon, loại thịt được chọn phải là thịt đùi lọc hết gân mỡ sau đó ướp gia vị rồi đem phơi nắng hoặc sấy bằng than. Nếu nắng tốt thì khoảng 3 nắng là thành khô. Vừa nghe qua có vẻ rất dễ làm nhưng để loại bỏ mùi tanh của thịt trâu và tạo nên mùi vị độc đáo thì nằm ở bí quyết riêng của mỗi cơ sở.
Bình quân 3kg thịt tươi mới cho ra 1kg khô nên khô trâu sẽ có giá cao giao động từ 800-900 nghìn đồng mỗi kg. Hiện trâu ở địa phương đang dần ít đi do tất cả các khâu trồng lúa đều đã được cơ giới hóa, vì vậy để có nguồn nguyên liệu các cơ sở phải thu mua ở các vùng địa phương khác.
Là món ăn dân dã gần gũi, được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng. Khô trâu ngày nay rất được thị trường ưa chuộng và trở thành một trong những đặc sản của vùng biên giới phía Tây Việt Nam.