
- Home
- NUÔI TRỒNG-SẢN XUẤT
- Xây dựng vùng nguyên liệu: Yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững sản phẩm OCOP
Xây dựng vùng nguyên liệu: Yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững sản phẩm OCOP
Mỗi xã một sản phẩm OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trong đó phát triển sản phẩm gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu nông sản là điều kiện quan trọng để chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất của từng địa phương và yêu cầu thị trường.
Thực tế từ khi có OCOP thì nhu cầu thị trường đối với các đơn vị có sản phẩm được chứng nhận OCOP là rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp, các hợp tác xã phải có vùng nguyên liệu bài bản, lớn và ổn định để mở rộng quy mô sản xuất.
Như sản phẩm miến dong Việt Cường của hợp tác xã miến dong Việt Cường đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, có thời điểm rơi vào tình trạng cháy hàng. Tuy nhiên nhiều năm nay vùng nguyên liệu cho miến dong Việt Cường chỉ vỏn vẹn 20 hecta và phân bố rải rác ở nhiều địa phương.
Sau nhiều năm gắn bó với cây chè, các thành viên hợp tác xã chè Hảo Đạt luôn trăn trở làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm chè Tân Cương. Với hơn 6 hecta trồng chè và các hộ liên kết là hơn 40 hecta theo tiêu chuẩn VietGAP. Hảo Đạt hướng đến xây dựng nguồn nguyên liệu tập trung gắn với OCOP và chuyển đổi số. Đến nay đây là 2 đơn vị tiêu biểu được chứng nhận OCOP 5 sao của trung ương.
Đối với những vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP đã được chú trọng. Tư duy của bà con trồng chè đã dần thay đổi.
Một trong những tiêu chí hàng đầu của sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, từ đó tăng cường đầu tư công nghệ để chế biến bảo quản các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị. Hợp tác từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị và lợi nhuận.
Tuy nhiên hiện nay việc phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu gắn với OCOP còn nhiều hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương.
Cùng với sự thay đổi tư duy nhận thức của bà con nông dân. Những chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu để Thái Nguyên tiếp tục có những sản phẩm chất lượng cao. Cũng như khai thác tối đa tiềm năng lợi thế sẵn có về sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.