
Trà khổ qua rừng Modica
Khổ qua rừng là thực phẩm có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và được sử dụng ngày càng phổ biến. Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm chế biến sâu như trà khổ qua rừng xắt lát, trà túi lọc, bột, rượu hoặc viên uống dạng thực phẩm chức năng.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng đã có đơn vị xây dựng mô hình liên kết, trồng và chế biến các sản phẩm từ trái khổ qua rừng, góp phần làm đa dạng các sản phẩm khởi nghiệp ở địa phương.
Khổ qua rừng là loại thực vật dây leo họ bầu bí, cùng thuộc chi mướp đắng nhưng có thân, lá và trái nhỏ hơn so với các giống khổ qua được lai tạo. Trái khổ qua rừng thường chỉ to bằng ngón chân cái, màu xanh đậm và có vị đắng. Theo Đông Y trái khổ qua rừng có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần, hạ đường huyết.
Vào năm 2019 bà Bùi Minh Phượng đã đầu tư cơ sở sản xuất trà khổ qua rừng ở phường Cái Vồn thị xã Bình Minh tỉnh Vĩnh Long. Sản phẩm chế biến đầu tiên là trà xắt lát từ nguồn nguyên liệu trồng trên phần đất trống quanh nhà. Khi gửi tặng cho bà con xung quanh dùng thử nhận được nhiều đánh giá tích cực nên bà quyết định mở rộng đầu tu trang thiết bị để tăng công suất chế biến.
Do trái khô qua rừng có kích thước nhỏ, hình dạng không đồng đều nên khi làm thủ công mất nhiều thời gian, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Nhờ việc đầu tư máy xắt lát đã giải quyết được vấn đề nêu trên, đồng thời chất lượng trà cũng đồng đều hơn.
Khổ qua rừng sau khi xắt thành những lát nhỏ sẽ cho vào lò sấy với nhiệt độ từ 50 đến 65 độ C, thời gian từ 10 đến 11 tiếng đồng hồ. Bình quân khoảng 10kg nguyên liệu tươi sẽ cho ra 1kg trà thành phẩm. Nguồn nguyên liệu làm trà là chọn những trái đã già, màu xanh đậm không bị sâu bệnh, những trái chín vàng không phù hợp do phần thịt bị mềm khó chế biến. Quy trình làm trà được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sơ chế nguyên liệu đến khi đóng gói bao bì thành phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP.
Trong quá trình khổi nghiệp, nhờ được sự hỗ trợ tích cực của địa phương, đơn vị mạnh dạn trang bị thêm máy đóng gói trà túi lọc 5 trong 1, đây là tổ hợp 5 công đoạn được thực hiện liên tiếp nhau từ chiết rót bột trà, tạo túi giấy, xâu chỉ, dán tem và cuối cùng đóng bao ngoài. Toàn bộ quá trình diễn ra tự động, chỉ cần một nhân công xếp sản phẩm vào hộp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất. Sản phẩm được đóng bao bì riêng giúp tăng thời gian bảo quản, thuận tiện mỗi lần sử dụng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Khác với trà xắt lát, trà túi lọc được sản xuất từ dây, lá và trái khổ qua rừng phối trộn lại với nhau và bổ sung thêm cỏ ngọt để tạo nên độ thơm ngon hơn.
Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, để chủ động nguồn nguyên liệu cơ sở tìm đến những bà con xung quanh để hợp tác trồng và bao tiêu đầu ra. Cây khổ qua rừng tương đối dễ trồng, ít sâu bệnh, không tốn nhiều khâu chăm sóc. Sau khi xuống giống từ 30-40 ngày thì cây bắt đầu cho trái, có thể thu hoạch 2-3 ngày/lần. Kéo dài khoảng 6 tháng thì mới trồng lại.
Do có nguồn gốc tự nhiên nên khổ qua rừng chống chịu sâu bệnh, sinh trưởng tốt trên nhiều nền đất khác nhau. Mô hình trồng khổ qua rừng cũng thích hợp với những khu vực bà con nông dân có diện tích đất canh tác ít, có thể xen với các loại cây trồng khác để tăng thu nhập. Khi được liên kết với cơ sở chế biến đã giúp đầu ra ổn định hơn.
Hợp tác với bà con nông dân để trồng rồi thu mua lại sẽ giúp cơ sở tận dụng được những nguồn lực bên ngoài, lịch thu hái giữa các hộ dân được chia thành nhóm, thu vào các ngày xen kẽ để có nguyên liệu ổn định với chất lượng tốt nhất.
Sản phẩm trà khổ qua rừng được bán chủ yếu ở các cửa hàng trưng bày sản phẩm đặc sản tại các trạm dừng chân, các khu du lịch. Do tình hình dịch Covid-19 trong thời gian qua cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của cơ sở, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó xu hướng bán hàng online cũng gặp nhiều hạn chế nên chưa tận dụng được hiệu quả từ kênh bán hàng tiềm năng này.
Hiện nay trà khổ qua rừng vẫn còn có nhiều tiềm năng phát triển, việc đầu tư vùng nguyên liệu tại địa phương giúp cơ sở chủ động kiểm soát được chất lượng sản phẩm và sản lượng nguyên liệu đầu vào để từ đó có những kế hoạch sản xuất và phát triển thị trường phù hợp. Mô hình này cũng đã góp phần tạo nên thu nhập cho bà con xung quanh thông qua việc trồng khổ qua rừng từ những phần đất trống. Vì vậy trước những khó khăn hiện tại, rất cần những giải pháp hỗ trợ từ địa phương để tiếp thêm động lực cho đơn vị khởi nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Khi xu hướng mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, để vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Cơ sở cần đẩy mạnh phát triển các hoạt động bán hàng online, thường xuyên cập nhật hình ảnh, câu chuyện sản phẩm trên các trang mạng xã hội, mở rộng hệ thống cộng tác viên, các đại lý bán hàng.
Trà khổ qua rừng là sản phẩm phù hợp với những người lớn tuổi, khách hàng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Do đó cần có những phương pháp tiếp thị và quảng bá hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu này để sản phẩm tiếp cận thị trường nhanh chóng và hiệu quả hơn.