Tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong Lâm Sơn
  1. Home
  2. KẾT NỐI-TIÊU THỤ
  3. Tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong Lâm Sơn
editor 5 năm trước

Tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong Lâm Sơn

Trước năm 1990, người dân xã Lâm Sơn (Lương Sơn) đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Mật ong Lâm Sơn thơm ngon nổi tiếng bởi chất lượng tốt, giá thành hợp lý, tư thương khắp nơi tới thu mua. Nuôi ong lấy mật giúp nhiều hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, mật ong Lâm Sơn khó tiêu thụ.

Trung bình mỗi năm có khoảng 40 – 50% sản lượng mật tồn đọng không bán được. Cấp ủy, chính quyền và người nuôi ong xã Lâm Sơn nỗ lực tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu mật ong Lâm Sơn trên thị trường.

Xã Lâm Sơn được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu trong lành, thực vật phong phú, thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong. Lúc đầu, xã chỉ có vài hộ nuôi ong quy mô nhỏ lẻ, để lấy mật dùng cho gia đình. Sau một thời gian, nhận thấy nghề nuôi ong phát triển tốt, sản lượng mật đạt cao, chất lượng mật thơm ngon, dễ bán, được người tiêu dùng các xã lân cận ưa chuộng. Từ đó, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức nuôi ong cho người dân, mời các chuyên gia nuôi ong về tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc đàn ong. Các hộ nuôi ong áp dụng KHKT trong chăm sóc, lấy mật, hướng đến tiêu chí sản phẩm sạch. Ong được nuôi thả tự nhiên, hút phấn hoa tại vườn nhà, hoặc trong rừng, do đó cho chất lượng mật tốt, dễ bảo quản, không phải bỏ nhiều vốn mua thức ăn.

Trước năm 2016, mật ong Lâm Sơn tiêu thụ tốt, chủ yếu tư thương từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến mua. Sản lượng mật luôn bán hết, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Tuy nhiên, hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa phương nuôi ong lấy mật, nên thị trường cạnh tranh lớn. Ngay tại xã Lâm Sơn, phong trào nuôi ong phát triển rộng khắp. Toàn xã có khoảng 3.000 đàn ong, gần 40 hộ nuôi. Sản lượng mật đạt khoảng 30 tấn/năm. Có những hộ nuôi tới 300 đàn, hộ ít cũng vài chục đàn, thế nhưng, người nuôi ong lại đang chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo thống kê tại các hộ nuôi ong, khoảng 40 – 50% sản lượng mật còn tồn đọng chưa bán được.

Anh Lê Đình Khuê, Giám đốc HTX Ong mật Lâm Sơn chia sẻ: Tháng 10/2019, HTX Ong mật Lâm Sơn được thành lập để liên kết trong sản xuất, tìm thị trường ổn định tiêu thụ mật ong. HTX gồm 13 thành viên, đều là những hộ nuôi ong có thâm niên của xã. Trung bình mỗi năm, sản lượng mật của cả HTX là 10 – 15 tấn. Giá bán đối với loại mật ngon như mật hoa nhãn, hoa táo khoảng 180.000 – 200.000 nghìn đồng/lít, mật hoa keo khoảng 70 – 90.000 đồng/lít. Do mật ong không bán được, người nuôi ong chúng tôi gặp nhiều khó khăn về vốn để duy trì đàn ong. Năm nay, sản phẩm mật ong của HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP, với mong muốn sẽ tạo được sự liên kết, tìm được thị trường ổn định cho sản phẩm. HTX mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ máy móc, thiết bị để sản xuất mật ong đủ tiêu chuẩn, có thể cạnh tranh với thị trường mật ong trong nước.

Đồng chí Lê Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Lâm Sơn có tiềm năng, thế mạnh phát triển nuôi ong mật, nhưng hiện tại, các hộ nuôi ong vẫn “mạnh ai nấy làm”, tự tìm thị trường tiêu thụ, mà chưa có một đầu mối tiêu thụ chung. Để xây dựng thương hiệu mật ong Lâm Sơn, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phầm, còn cần quan tâm đến thị trường tiêu thụ. Nhằm tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ mật ong, cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích hộ nuôi ong tham gia HTX Ong mật Lâm Sơn, sản xuất theo chuỗi. HTX cần đẩy nhanh tiến độ làm tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì, để tham gia Chương trình OCOP. Xã sẽ hỗ trợ HTX Ong mật Lâm Sơn trong khâu hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo các tiêu chí để đạt kết quả tốt nhất tại Chương trình OCOP cấp tỉnh năm nay. Ngoài ra, UBND xã đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tích cực đưa sản phẩm mật ong tham gia trưng bày tại các hội chợ, để người tiêu dùng gần xa biết đến.

Nguồn: báo Hòa Bình

2 lượt xem | 0 bình luận

Bạn thấy bài viết mang lại giá trị?

Click ngay để cảm ơn tác giả!

Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Chức năng bình luận hiện chỉ có thể hoạt động sau khi bạn đăng nhập!