Tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP
  1. Home
  2. KẾT NỐI-TIÊU THỤ
  3. Tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP
editor 4 năm trước

Tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP

Phát triển kinh tế nông thôn theo OCOP đã và đang tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như giúp xóa đói giảm nghèo.

Hiện cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình, sản xuất hơn 4.800 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm. Trong đó nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm, đồ uống có 1.041 sản phẩm, thảo dược có 231 sản phẩm. Tuy nhiên mới có gần 1.100 sản phẩm đăng ký và công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 22,52%. Có 695 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chiếm 14,4%. Kết quả này cho thấy hầu hết các sản phẩm dịch vụ trên đều có khả năng dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo thực hiện một cách bài bản thống nhất và đồng bộ.

Ở tỉnh Lào Cai, chương trình ra đời với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn một cách bài bản có hệ thống, tạo ra giá trị trực tiếp. Từ đó thu hẹp và cân bằng khoảng cách kinh tế giữa khu vực nông thôn và thành thị. Lào Cai đặt mục tiêu cuối năm 2020 huy động từ 50-60% nguồn lao động nông thôn tham gia hệ thống OCOP. Sản phẩm từ nông nghiệp, du lịch, dịch vụ nông thôn đóng góp từ 55-60% tổng sản phẩm hàng hóa trên toàn tỉnh. Để thực hiện hóa mục tiêu trên, Lào Cai tập trung phát triển 6 nhóm ngành hàng gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn. Tổng số 113 sản phẩm nông nghiệp thuộc 6 nhóm ngành hàng trên, khi tham gia OCOP trong giai đoạn 1 đến cuối năm 2020, 60 sản phẩm sẽ được Lào Cai đầu tư phát triển, trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương. Địa phương sẽ có cơ chế chính sách và kinh phí hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác làng nghề, cá nhân phát triển sản xuất như xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chế biến. Với yêu cầu đặt ra là các cơ sở hộ gia đình sản xuất tự quyết định lựa chọn các sản phẩm có lợi thế để đầu tư phát triển. Sao cho các sản phẩm có năng suất chất lượng tốt nhất, đảm bảo tăng thu nhập và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Còn ở tỉnh Yên Bái đến nay đã hình thành được một số làng nghề như làng nghề Miến Đao Giới Phiên, làng nghề tranh đá quý ở huyện Lục Yên, làng nghề dệt thổ cẩm xã Nghĩa An, làng nghề dâu tằm huyện Chấn Yên… Mục tiêu phấn đấu của tỉnh là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm hiện có của địa phương, tương ứng khoảng 21 sản phẩm. Triển khai thực hiện từ 2-3 làng văn hóa du lịch. Tập trung và đa dạng hóa chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Với những tiềm năng lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công. Tỉnh sẽ quyết tâm xây dựng triển khai thành công chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sức bật mới góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Việc đẩy mạnh chương trình mỗi xã phường một sản phẩm giúp tạo công ăn việc làm cho địa phương cũng như giúp xóa đói giảm nghèo. Nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là hết sức quan trọng, việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm tham gia hội chợ được xem là một hoạt động thiết thực.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, nhưng khuyến khích thực hiện ở cả khu vực đô thị, hỗ trợ tích cực để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các bộ ngành trung ương và các địa phương cần phải có quyết tâm cao để thực hiện hiệu quả. Góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp doanh nghiệp, nhất là đối với các thanh niên trẻ khu vực nông thôn.

9 lượt xem | 0 bình luận

Bạn thấy bài viết mang lại giá trị?

Click ngay để cảm ơn tác giả!

Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar