Đồng Tháp là tỉnh có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Với nguồn nguyên liệu cá tươi dồi dào sẵn có, người dân đã chế biến thành nhiều loại cá khô rất ngon. Như khô cá lóc, khô cá kèo, khô cá sặc, khô cá rô… đặc biệt khô cá lóc Miền Tây, một đặc sản rất nổi tiếng của người dân vùng đầu nguồn Hồng Ngự.
Trước đây khô cá lóc được làm rất đơn giản là xẻ đôi rút xương rồi phơi khô một nắng, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, cũng như tăng tính thẩm mỹ, tiện dụng và sự thơm ngon thì người dân ở đây đã chịu khó tìm tòi sáng tạo ra những cách làm mới sản phẩm.
Cơ sở Liêm Vuông, một chủ thể OCOP ở phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp đã có cách làm khác biệt đó là chế biến thành sản phẩm mới từ cá lóc tươi rút xương.
Việc chế biến khô cá lóc rút xương đạt chuẩn OCOP 3 sao phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, trong đó khâu xẻ sợi, ướp gia vị là quan trọng nhất. Nhằm đảm bảo từng miếng khô cá lóc khi đến tay người tiêu dùng sẽ giữ được mùi vị và độ mềm vừa ăn.
Sau khi được phơi 1 đến 2 nắng là có thể đóng gói giao cho khách hàng. Bình quân mỗi ngày cơ sở có thể chế biến từ 50-70kg khô cá lóc rút xương.
Hiện tại khô cá lóc rút xương của cơ sở Liêm Vuông có 2 dòng chính. Đó là khô cá dạng que và dạng sợi kết thành miếng như khô rắn. Về gia vị cũng có chút biến tấu giúp đậm đà hơn. Điều này giúp cho người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Hiện tại cơ sở làm khô bằng cách thủ công. Đối với hình thức này, cơ sở có một lượng khách hàng nhất định. Đây có thể được xem là phân khúc chính mà cơ sở đang chú trọng khai thác tối đa.
Tạo tính mới lạ cho sản phẩm có vai trò thu hút sự chú ý trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng. Cũng là sản phẩm khô cá lóc, nhưng việc rút xương tạo thành các dòng khô khác nhau, giúp cho sản phẩm tránh sự nhàm chán. Đây cũng là cách mà chủ thể OCOP có thể tăng sự hấp dẫn cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.