Tiềm năng phát triển trái cây Việt Nam
Ngành nông nghiệp và người trồng trái cây Việt đang nỗ lực mỗi ngày để có những sản phẩm tốt hơn, đa dạng hơn cho thị trường.
Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình đa dạng gồm vùng núi, đồng bằng và duyên hải. Mỗi địa hình lại có những đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng. Đây là điều kiện lý tưởng để Việt Nam có hệ sinh thái nông nghiệp trái cây vô cùng đa dạng và phong phú.
Mùa nào thức nấy, bốn mùa trong năm lúc nào chúng ta cũng có những loại trái cây đặc trưng. Dọc miền đất nước là những vựa trái cây như na Lạng Sơn, vải thiều Bắc Giang, xoài nhãn Sơn La, cam Vinh Nghệ An, bơ sầu riêng Tây Nguyên, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận. Cho đến những vựa trái cây miệt vườn Cửu Long như xoài cát Chu Cao Lãnh, chôm chôm măng cụt Lái Thiêu, bưởi da xanh Bến Tre. Đến nay tổng diện tích cây ăn quả của Việt Nam đã đạt 1,18 triệu hecta, sản lượng trung bình đạt 12,8 triệu tấn/năm.
Sơn La là vựa cây ăn quả lớn nhất Miền Bắc, lớn thứ 2 cả nước với trên 80.000 hecta. Trái cây của Sơn La đa dạng chủng loại, trong đó chủ lực là xoài và nhãn. Còn lại là sơn tra (táo mèo), mận, chuối, chanh leo. Sơn La đã có 11 sản phẩm quả mang chỉ dẫn địa lý của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Có 25 sản phẩm OCOP được sản xuất từ quả. Dự kiến năm 2022 sản lượng trái cây toàn tỉnh đạt khoảng 450.000 tấn. Tỉnh đã triển khai nhiều phương án đồng hành hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm gia tăng giá trị cho trái cây Việt Nam, nhiều nhà máy chế biến hoa quả lớn trên cả nước đã được đầu tư. Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ Sơn La hoạt động từ tháng 9 năm 2020. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến sản phẩm cam và nhãn cô đặc trên dây chuyền hiện đại hàng đầu thế giới. Nhà máy là điểm nhấn quan trọng để bước đầu người nông dân làm quen với quy trình sản xuất theo chuỗi khép kín, bắt đầu từ khâu nguyên liệu, phát huy nguồn gen quý của các cây bản địa để gia tăng giá trị cho cộng đồng phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu đến 60 quốc gia. Chiếm gần 1% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới. Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu đến những thị trường chất lượng cao.
Theo dự báo, nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây tăng 8,2% mỗi năm từ năm 2019 đến năm 2025 và sẽ đạt trên 585 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt với hiệp định tự do thương mại Việt Nam EVFTA, rau quả sẽ là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất, bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.
Mới đây chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030. Đề án đặt mục tiêu sản xuất và phát triển rau củ hiệu quả, an toàn bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, có trình độ công nghệ tiên tiến gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn. Đặc biệt là đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt từ 8 đến 10 tỷ USD/năm.
Đây thực sự là cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam vươn ra toàn cầu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội các vùng miền trên cả nước.