Thương hiệu Quốc gia: Những điểm mới giai đoạn 2020-2030
Thương hiệu quốc gia không phải là giải thưởng mà là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn của chính phủ. Trong đó doanh nghiệp là hạt nhân của chương trình, song nhà nước không làm thay doanh nghiệp mà đứng ra bảo trợ cho sản phẩm có uy tín, giúp đỡ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để người dùng trong nước và quốc tế biết tới.
Chương trình thương hiệu Quốc gia trong giai đoạn mới 2020-2030 đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam. Góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Đây cũng là nội dung điểm mới của chương trình.
Để triển khai thực hiện chương trình thương hiệu Quốc gia trong gia đoạn mới, Thủ tướng Chỉnh phủ đã ký quyệt định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành quy chế xây dựng quản lý thực hiện chương trình thương hiệu Quốc gia Việt Nam và quyết định số 1320QĐ-TTg phê duyệt chương trình thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020-2030.
Trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể, như thực hiện có hiệu quả trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia Việt Nam, đạt mức cao hơn mức bình quân cả nước. Góp phần tăng giá trị thương hiệu Quốc gia Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín thế giới. Trên 1000 sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia Việt Nam, mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín thế giới. 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. 100% sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Năm 2020 là năm thứ 16 triển khai thực hiện và là năm lần thứ 7 Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia Việt Nam, so với 6 kỳ xét chọn trước đó, kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 7 mặc dù phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia rất lớn.
Ông Đỗ Thanh Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Năm 2020 này, mặc dù nền kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Nhất là đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy vậy số lượng doanh nghiệp trên cả nước đăng ký tham gia là hơn 1.000 doanh nghiệp. Phần lớn là có thương hiệu mạnh, có tiềm lực, ngoài những doanh nghiệp đã tham gia từ trước đến nay thì năm 2020 có nhiều doanh nghiệp có tên tuổi đăng kỹ tham gia ở nhiều lĩnh vực mới. Làm đa dạng hóa lĩnh vực.”
Một trong những điểm sáng trong việc xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 7 năm 2020 là đã thu hút một số doanh nghiệp có danh tiếng trên thị trường lần đầu đăng ký tham gia để cùng đồng hành với những doanh nghiệp có nhiều năm theo đuổi các giá trị của chương trình.
Là một chương trình xúc tiến thương mại đặc thù dài hạn và duy nhất của chính phủ. Nhằm xây dựng phát triển thương hiệu Quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Năm 2020 sau hơn 9 tháng phát động và triển khai xét chọn, ngày 29/09/2020 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch hội đồng thương hiệu Quốc gia đã ban hành quyết định số 2534QĐBCT công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020, tăng 27 doanh nghiệp so với kỳ xét chọn năm 2018.
Sau lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia. Bộ Công thương với vai trò là cơ quan quản lý chương trình sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng, phát triển quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều hoạt động, như phối hợp với các bộ Ngành, đặc biệt là bộ Ngoại giao, bộ Thông tin và truyền thông, Bộ văn hóa Thể thao và du lịch tổ chức quảng bá thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Thực hiện các hoạt động tư vấn gián tiếp và trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu đáp ứng được hệ thống các tiêu chí của chương trình, phối hợp với các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lực tuyên truyền quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, thương hiệu sản phẩm được lựa chọn và xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam đến khách hàng và người tiêu dùng Quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, các sự kiện ngoại giao ở nước ngoài. Phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường hoạt động kết nối các hoạt động doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn trong nước nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước.
Có thể nói các nỗ lực trên của bộ Công thương là sự hỗ trợ đắc lực giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, củng cố gia tăng sức mạnh thương hiệu sản phẩm. Tạo đà xuất khẩu để ngay cả sau khi trong và sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn phát triển đưa nền kinh tế tiếp tục tạo đà tăng trưởng. Các thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam trở thành điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.