Sá sùng Quảng Ninh
Sá sùng hay địa sâm là một trong những loài trùn biển có hình dáng tựa như con giun đất. Vùng đất Quảng Ninh, đặc biệt ở xã Quan Lạn Vân Đồn là nhiều nhất. Vốn là loài sinh vật quý giá, không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn là nguyên liệu đặc trưng tạo nên nét riêng cho hương vị món ăn và có tác dụng hỗ trợ điều trị chăm sóc sức khỏe cho con người. Là đặc sản quý mà thiên nhiên vùng biển đã ban tặng cho vùng đất và con người Quảng Ninh.
Xứ sở của sá sùng chính là vùng biển Quảng Ninh, tập trung ở các xã Quan Lạn, Minh Châu, Vạn Ninh. Bởi con sá sùng ở những nơi này thường to, có vị ngon ngọt hơn, thường sống ở bãi cát có nước triều lên xuống. Người đào phải đòi hỏi có kinh nghiệm, có kỹ thuật, đặc biệt là động tác điêu luyện như người nghệ sĩ múa trên cát.
Người ta thường bắt vào lúc sáng sớm, khi nước thủy triều vừa rút đi để lại những dấu vết của chúng sau một đêm ngoi ra khỏi cát đi kiếm ăn, giao phối. Cũng như đào trùn đất, nếu thấy dấu vết của chúng, chỉ cần xúc vào sâu lớp cát sẽ thấy chúng bên dưới. Thức ăn là những mảnh vụn hữu cơ, sinh vật phù du lơ lửng trong nước.
Sá sùng có nhiều giá trị dinh dưỡng như axit amin, glysin, alanin, glutamine và nhiều taurine, khoáng chất. Theo quan niệm Đông Y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, chủ trị chứng tâm hàn, bổ dương khí. Sá sùng được dùng như một loại gia vị nêm nếm để tạo độ ngọt cho món ăn, trở thành món ăn thiết yếu có trong thực đơn của các nhà hàng hải sản, đặc biệt là món nướng.
Theo cách chế biến của người dân ở Quảng Ninh, sá sùng còn tươi sau khi sơ chế sẽ dùng nấu canh với lá lốt, gừng ta. Chính vị ngọt đặc trưng tự nhiên của sá sùng mà người dân Quảng Ninh đặc cách khi nấu canh không sử dụng mì chính. Chỉ cần đun nước sôi, thả gừng đun liu riu cho vị cay của gừng và vị thơm được lan tỏa, sau đó cho sá sùng vào đun sôi và thêm chút lá lốt cắt sợi, các gia vị kèm theo. Chính cách nấu dân dã của người Quảng Ninh đã mang tới cách thưởng thức cũng rất giản đơn khi dùng sá sùng để nấu canh ăn hàng ngày hay còn được dùng làm món khai vị trong các nhà hàng ẩm thực.
Bên cạnh đó, khi được xào măng cũng mang tới một hương vị rất riêng. Vị chua của măng, của cà chua quyện cùng với vị ngọt của sá sùng, thêm chút màu xanh của lá lốt và hành. Thật không ngoa khi cho rằng các món ăn được làm từ sá sùng chính là sự kết hợp tinh tế của nguyên liệu dân dã với sản vật vương giả. Bởi mỗi kg sá sùng khi được làm sạch cũng bán được với giá rất cao, hoặc khi phơi khô sẽ có giá vài triệu đồng/kg.