OCOP 4 sao: Chè xanh Hương Lý
Những năm qua, sản phẩm chè xanh Hương Lý của huyện Yên Bình được nhiều người tiêu dùng biết đến và là thương hiệu có tiếng tăm trên thị trường tỉnh Yên Bái. Sản phẩm chè xanh, chè túi lọc của huyện Yên Bình đã trở thành sản phẩm quen thuộc, gắn bó với người dân địa phương.
Năm 2020, sản phẩm chè xanh, chè túi lọc của huyện Yên Bình được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Để sản phẩm chè xanh của huyện tiếp tục vươn xa trên thị trường, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo hướng an toàn, không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Gắn bó với ngành sản xuất chè gần 10 năm nay, ông Lương Ngọc Chiểu, Giám đốc HTX Chè Hương Lý tại tổ 9, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đã cùng 9 thành viên trong HTX sản xuất ra những sản phẩm chè thơm ngon, đậm vị.
Năm 2020, HTX chè Hương Lý có 20 đơn vị tham gia, có 2 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao thuộc chương trình OCOP tỉnh Yên Bái. Đây là cơ hội để 2 sản phẩm chè của HTX chinh phục nhiều thị trường lớn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay sản phẩm chè xanh Hương Lý có giá bán trung bình từ 30 nghìn đồng đến 160 nghìn đồng mỗi kg, doanh thu HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Ông Lương Ngọc Chiểu, Giám đốc HTX cho biết: “Để sản xuất được chè ngon chúng tôi đã chọn những vườn chè mà người dân tâm huyết, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, thu hái để làm ra sản phẩm chè túi lọc, chè xanh hái khi 1 tôm 2 lá khi đưa vào chế biến thì sản phẩm mới ngon được”.
Được tuyển chọn từ những búp chè 1 tôm 2 lá tươi non, những thành viên HTX chè Hương Lý cũng như các hộ cung cấp chè nguyên liệu cho HTX đều thu hái bằng tay, lên hương và sao bằng phương pháp thủ công để giữ được hương vị, độ tươi ngon, đậm đà trong từng búp chè.
Trong quá trình đóng gói, mỗi sản phẩm chè đều có mã vạch truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền, trước tiên là thể hiện thương hiệu của mình vừa chống được hàng giả, có mã vạch để truy xuất được nguồn gốc.
Được sản xuất theo quy trình VietGap, với các giống chè chất lượng cao như LDP1, LDP2, chè Phúc Vạn Tiên, chè Bát Tiên. Muốn làm được chè ngon phải tuyên truyền để người dân hiểu và xây dựng thương hiệu chè Hương Lý.
Có sản phẩm chè đạt hạng 4 sao, huyện Yên Bình đã tiếp tục xây dựng được vùng chè VietGap tại thôn Trác Đà, xã Hán Đà. Để cây chè cho năng suất chất lượng cao thì người trồng chè xã Hàn Đà đã trồng giống chè lai LDP2 đồng thời đầu tư thâm canh và chế biến chè khô đảm bảo tiêu chuẩn VietGap. Áp dụng biện pháp kỹ thuật vào sản xuất chế biến chè an toàn, thu hái búp chè “1 tôm 2 lá” để nâng cao chất lượng.
Hiện xã Hán Đà đang tiếp tục sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn quốc tế khác tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất chè búp tươi với cơ sở chế biến.
Chị Vũ thị Phượng chia sẻ “Tôi đã làm chè khô được 30-40 năm và nguồn thu nhập chính là chè, chúng tôi đã được xã hướng dẫn trồng chè VietGap để sản xuất theo tiêu chí OCOP, để sản phẩm chè Hán Đà được nhiều người biết đến và nâng cao giá trị sản phẩm”.
Huyện Yên Bình có 750ha chè, sản lượng đạt trên 8.000 tấn/năm, trong đó chè chất lượng cao đạt 6.000 tấn. Để duy trì chất lượng sản phẩm chè, để giữ vững và tiến tới nâng hạng cho sản phẩm OCOP chè. Huyện Yên Bình đã xây dựng kế hoạch duy trì và nhân rộng các vùng chè chất lượng cao tại xã Hán Đà, Yên Bình và Bạch Hà.
Ông Nguyễn Lê Dũng, phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình, Yên Bái: “Huyện sẽ tập trung sản xuất thâm canh với 500 ha chè tập trung ở Hán Đà, Vĩnh Kiên, Yên Bình và Bạch Hà. Phối hợp với trường đại học Hùng Vương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh để xây dựng vùng chè chất lượng cao. Tiếp tục mở rộng vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Xây dựng các sản phẩm OCOP cho chè đạt từ 3 sao trở lên đối với sản phẩm chè xanh Hán Đà. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm chè theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao giá trị sẩn phẩm chè trên địa bàn huyện”
Việc đạt các tiêu chí, thứ hạng trong đánh giá sản phẩm OCOP là điều quan trọng đối với mỗi cơ sở sản xuất, mỗi địa phương. Bởi khi chất lượng các sản phẩm được nâng cao, thị trường tiêu thụ sẽ ngày càng lớn. Đây là tiền đề giúp người dân, nhất là người dân vùng trồng chè nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.