Người dân Lái Thiêu (Bình Dương) đang nỗ lực lưu giữ, phát triển các vườn cây ăn trái trước sự ảnh hưởng của tình trạng đô thị hóa tại địa phương.
Địa danh Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương từng nổi tiếng cả nước với những vườn cây trái đặc sản hàng trăm tuổi, trải dài bên bờ sông Sài Gòn thơ mộng. Để vùng đất này không chỉ là hồi ức, chính quyền và người dân nơi đây đang nỗ lực lưu giữ, phát triển các vườn cây ăn trái trước sự ảnh hưởng của tình trạng đô thị hóa tại địa phương.
Nhà vườn trăn trở
Một ngày giữa tháng 4, tìm đến với Lái Thiêu, nơi được mệnh danh là vùng đất “cây lành trái ngọt” giữa lòng đô thị sầm uất của thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đi sâu vào những con đường “xương cá” trong khu phố Hưng Thọ, phường Hưng Định, chúng tôi choáng ngợp trước vườn măng cụt với những gốc to ôm không hết vòng tay của gia đình ông Nguyễn Văn Dội. Gia đình ông Dội nhiều đời gắn bó với nghề trồng cây ăn trái, như: măng cụt, dâu xiêm, bòn bon, sầu riêng tại địa phương.
Ông Dội nhớ lại, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lúc đó Khu du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu – Cầu Ngang là một địa điểm du lịch hút khách. Khi mùa trái chín, khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch có rất nhiều du khách tìm đến đây. Nhờ đó, đời sống người dân ổn định, có điều kiện cho con cháu ăn học.
Một thời gian sau, Bình Dương chuyển mình phát triển với nhiều khu công nghiệp mở ra trên địa bàn Thuận An, kèm theo tốc độ đô thị hóa nhanh khiến diện tích các vườn cây bị thu hẹp đáng kể. Việc mở rộng phát triển công nghiệp cũng khiến môi trường đất, nước bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây ăn trái, nhất là loại cây “khó tính” như măng cụt. Lúc này, hàng loạt cây lâu năm chết đành phải cắt bỏ để trồng cây mới.
“Tuổi thọ cây măng cụt sống tới 200-300 năm, thời gian sau nước ô nhiễm nên thúi rễ cây chết từ từ, cho nên số cây măng lão còn ít lắm. Mỗi vườn còn vài cây nhưng sắp tới sẽ chết hết”, ông Dội cho hay.
Dẫn chúng tôi đi xem một số vườn cây ăn trái đã bị cưa bỏ thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, ông Đặng Văn Quý, một chủ vườn hơn 3ha tại xã An Sơn, thành phố Thuận An tiếc nuối. Xuất phát từ thu nhập vườn cây ăn trái ngày càng khó khăn, trong khi đó nhu cầu về đất đai xây nhà nhiều, cũng là lý do khiến nhiều gia đình không còn “kiên nhẫn” giữ đất vườn.
Theo ông Quý, nếu địa phương mà cho phép phân lô, tách thửa, bán nền thì vài năm nữa ở đây không còn là “lá phổi xanh” của thành phố Thuận An. Lúc đó, những người già như ông chỉ biết ngậm ngùi, tiếc nuối vì không giữ được vườn cây cha ông để lại.
“Giờ cũng lớn tuổi rồi mình ráng giữ số đất này, mấy ha này sau này để lại cho con. Những người chạy theo thời đại bây giờ, họ cắt, xẻ nền bán, phá hết làm tiêu hết vườn măng cây ăn trái, măng cụt Lái Thiêu nổi tiếng”, ông Quý nói.
Giữ “lá phổi xanh”
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu trải rộng trên địa bàn 6 xã, phường ven sông Sài Gòn của thành phố Thuận An, như: phường Vĩnh phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh và xã An Sơn. Từ hàng ngàn ha trồng cây ăn trái, giờ đây diện tích đã thu hẹp chỉ còn gần 1000 ha. Để lưu giữ, bảo tồn số diện tích làng nghề còn lại, thành phố Thuận An đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển vườn cây.
Đến nay, địa phương đã chi hơn 21 tỷ đồng hỗ trợ phân bón, ngày công chăm sóc cho các nhà vườn. Thường xuyên cải tạo môi trường, đảm bảo nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc đầu tư, nâng cấp, nạo vét kênh rạch, các hệ thống thoát nước để chủ động việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để người dân mặn mà với việc giữ vườn, nâng cao sức cạnh tranh nông sản cũng như mang lại thu nhập hiệu quả, vừa qua chính quyền TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đã đăng ký nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” và hỗ trợ bao bì, nhãn hiệu để nông dân quảng bá sản phẩm. Sắp tới, nhiều chủng loại trái cây đặc sản khác của Lái Thiêu sẽ tiếp tục phương án này để nâng cao giá trị. Địa phương này cũng đã tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”, kéo khách du lịch và quảng bá hình ảnh, sản phẩm nơi đây.
Để giữ những vườn cây truyền thống, ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương khẳng định, địa phương sẽ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng để cùng người dân lưu giữ những vườn trái cây nổi tiếng, lâu đời này.
“Riêng về vườn cây, hạn chế tối đa việc phân lô tách thửa. Hạn mức diện tích xây dựng trong vườn cây, quy hoạch khu vực này là khu vực du lịch sinh thái vườn nên chỉ được sử dụng tối đa 25% diện tích. Đó là quy định về chính sách pháp luật để giữ vườn cây”, ông Đỗ Thanh Sử nói.
Vùng cây ăn trái trù phú Lái Thiêu không chỉ nổi tiếng của miền Đông Nam Bộ về cây lành quả ngọt, mà còn được xem như “lá phổi xanh” quý hiếm giúp cân bằng sinh thái giữa vùng đông đúc các khu công nghiệp, khu đô thị của Bình Dương và cả khu vực lân cận của TPHCM. Việc nỗ lực khôi phục vùng cây ăn trái Lái Thiêu sẽ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất ven sông Sài Gòn, đồng thời phục hồi bản sắc du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái đã từng vang bóng một thời.
Nguồn: Vov