Nâng tầm giá trị cho bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
  1. Home
  2. KẾT NỐI-TIÊU THỤ
  3. Nâng tầm giá trị cho bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
editor 4 năm trước

Nâng tầm giá trị cho bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, thịt heo luộc, rau rừng, nước mắm chua ngọt. Những mùi vị khác biệt nhưng khi kết hợp lại với nhau lại tạo ra sự hòa quyện ngon đến kỳ lạ.

Nhắc đến Trảng Bàng Tây Ninh người ta nghĩ ngay đến bánh tráng phơi sương. Sản phẩm dân dã làm ra từ hạt gạo trở thành thương hiệu riêng có của vùng đất này. Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bảng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với tinh thần chịu thương chịu khó một nắng hai sương, người dân Trảng Bàng đã tạo ra một loại bánh tráng đặc biệt khiến ai đã từng ăn một lần thì khó mà quên được.

Không ai biết bánh tráng phơi sương ra đời như thế nào, chỉ biết rằng hơn 100 năm qua nhờ có nghề này mà bà con vùng đất Trảng Bàng có kế mưu sinh. Theo những cao niên trong làng, nghề làm bánh tráng được người dân thừa hưởng từ thời cha ông ở vùng đất Bình Định mang vào từ thuở khai hoang ở Tây Ninh hồi thế kỷ 18. Ban đầu là bánh tráng nướng và bánh tráng nhúng, về sau có thêm nhiều loại khác nhưng độc đáo nhất là bánh tráng phơi sương. Có lẽ với khí hậu đặc thù ngày nhiều nắng đêm lại lắm sướng đã giúp cho người dân nơi đây có thêm nguồn sinh kế nhờ làm ra loại đặc sản này.

Với sự hình thành và phát triển hơn 100 năm qua, nghề làm bánh đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Sản phẩm đã trở thành niềm tự hào của người dân mỗi khi nhắc đến đặc sản của quê hương mình.

Ấp Lộc Du là nơi nổi tiếng nhất với nghề này, đến đây vào bất kể thời điểm nào trong ngày cũng thấy bà con tất bật với nghề như thế nào. Điểm đặc biệt ở đây là không nhà nào thực hiện tất cả các công đoạn để làm bánh tráng phơi sương mà sẽ chia ra thành từng khâu. Nhà nào tráng bánh thì nhà kia nướng bánh, nhà kia phơi nắng thì nhà khác lại phơi sương. Bởi nếu làm tất cả công đoạn thì chẳng có lúc nào ngơi tay.

Để có bánh phơi lúc trời vừa nắng, các bà các chị phải dậy từ 4-5h sáng phải bột nhóm bếp. Ngay từ sáng sớm những bếp lò đã bắt đầu đỏ lửa. Đôi tay của những người thợ cứ thế thoăn thoát bên bếp lửa cho đến khi hết bột mới thôi. Có lẽ cũng bởi vì vất vả cực nhọc như vậy nên nghề làm bánh tráng phơi sương không còn phát triển mạnh mẽ như trước. Nếu như lúc trước có cả trăm hộ làm công đoạn tráng bánh thì bây giờ chỉ còn mười mấy hộ. Chỉ những ai thực sự yêu nghề thì mới gắn bó với nghề này.

Thông thường ở mỗi lò tráng bánh sẽ có người tráng, người phụ lấy vỉ và phơi bánh. Để làm ra được một chiếc bánh tráng phơi sương ngon thì việc quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh phải là gạo mới, gạo ngon và không được pha trộn. Gạo đem ngâm đến chiều sẽ xay thành bột, bột để qua đêm thì mới đem tráng bánh. Những người thợ mỗi ngày cung ứng ra thị trường hàng trăm chiếc bánh, dù vất vả nhưng với họ đã là công việc mưu sinh thì không ngại khó ngại khổ. Chỉ mong rằng sản phẩm làm ra được khách hàng đón nhận và giá cả cao hơn để họ có thể sống được bằng nghề.

Ở thị trấn Trảng Bảng có khoảng 40 hộ với hơn 100 lao động làm công đoạn nướng bánh. Nướng là công đoạn quan trọng làm nên độ ngon của sản phẩm. Tưởng chừng đơn giản nhưng công đoạn này đòi hỏi người lao động không chỉ nhanh tay mà phải khéo léo nhịp nhàng. Những lò nướng bánh tráng ở đây cũng khá đơn giản, chúng được làm ra từ những cái lò nhôm, cho than vào và đặt nghiêng. Người thợ nhanh tay xoay cho cái bánh tráng phòng đều cả 2 mặt mà không bị cháy.

Bánh tráng sau khi nướng sẽ đợi đến lúc sương xuống thì đem bánh ra phơi. Ở đây có những lao động chỉ chuyên phơi sương bánh tráng, với kinh nghiệm của mình họ có thể dự đoán được thời tiết hôm nay thế nào. Công đoạn phơi sương sẽ quyết định sự thành công của bánh tráng, phơi không đủ sương bánh sẽ không dẻo hoặc không thơm. Còn lỡ phơi hơi lâu thì bánh sẽ bị mềm ẩm ướt và không ngon. Vì vậy với công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có chút công phu, phải thức canh cùng bánh.

Bánh tráng phơi sương ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn, nhưng thu nhập của những người làm ra nó chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Để bà con sống được bằng nghề thì vẫn còn nhiều giải pháp dài hơi hơn nữa.

Món bánh tráng cuốn thịt heo luộc và rau rừng đã trở thành món ăn đặc sản nơi đây, ai về Tây Ninh cũng phải ghé ăn cho được món này. Những quán chuyên bán món đặc sản này trở thành điểm dừng chân của khách thập phương khi về với Tây Ninh.

bánh tráng phơi sương cuốn rau rừng
bánh tráng phơi sương cuốn rau rừng. Nguồn: báo Tây Ninh

Người dân nơi đây với tinh thần chịu thương chịu khó một nắng hai sương vẫn từng ngày để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Những chiếc bánh phơi sương là sự kết hợp tinh túy của vùng đất này, của nắng của sương, của tinh thần hăng say lao động. Dù còn nhiều khó khăn nhưng bà con vẫn hy vọng sản phẩm sẽ được khách hàng gần xa biết đến và ưa chuộng nhiều hơn để bàn con sống được bằng nghề.

1 lượt xem | 0 bình luận

Bạn thấy bài viết mang lại giá trị?

Click ngay để cảm ơn tác giả!

Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar