Mứt và kẹo dừa sáp Cầu Kè
  1. Home
  2. Lương Thực - Thực Phẩm
  3. Mứt và kẹo dừa sáp Cầu Kè
editor 4 năm trước

Mứt và kẹo dừa sáp Cầu Kè

Mứt và kẹo dừa sáp là một sản phẩm khá mới trên thị trường, góp phần tăng thêm giá trị cho trái dừa sáp Cầu Kè.

Giá trị một mặt hàng nông sản sẽ tăng thêm rất nhiều lần nếu được chế biến chuyên sâu và xây dựng thương hiệu một cách bài bản. Hiện nay nhắc đến Cầu Kè, nhiều người sẽ nghĩ đến dừa sáp và củ cái muối thịt sa. Đây chính là kết quả của quá trình dài xây dựng thương hiệu.

Huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh được xem là vùng chuyên canh cây dừa đặc sản nổi tiếng khắp cả nước gần 50 năm qua. Nguồn gốc cây dừa sáp có mặt tại vùng đất này từ năm 1970. Toàn huyện Cầu Kè hiện có hơn 22.000 cây, trong đó xã Hòa Tân có 17.000 cây, có 40% số cây cho trái sáp. Trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 900.000 trái.

Trái dừa sáp hiện được chế biến thành nhiều thức uống như sinh tố dừa sáp, dừa dầm sữa đá, dừa sáp trộn đường đá xay kết hợp với siro thảo mộc. Không giống với dừa xiêm, dừa sáp có cùi rất dày và xốp, có thể thấy ngoài lớp cơm dừa giống như dừa bình thường, dừa còn có 1 lớp sáp chính là lớp cơm dừa rời ra hút lấy nước dừa tạo thành sáp xôm xốp deo dẻo. Có những quả khi bổ ra lớp cơm trắng ngần lan hết quả dừa chỉ còn sót lại một ít nước sền sệt ở giữa.

Đây chính là khác biệt quan trọng nhất giữa dừa sáp với dừa thường, chữ lạ được đặt cho dừa sáp là thế. Người ta cũng dựa vào đặc điểm này để đặt tên cho loại dừa đặc biệt tại vùng đất này là dừa sáp hay dừa đặc ruột. Bình quân mỗi năm một cây dừa sáp cho khoảng 120-150 trái, tỷ lệ dừa cho trái sáp đạt từ 40-50%. Mỗi cây dừa cho thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi năm.

Mới đây nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo tại huyện Cầu Kè đã nghiên cứu chế biến thành công món mứt dừa độc đáo với giá bán 500.000 đồng mỗi kg và kẹo dừa với giá thị trường là 300.000 đồng mỗi kg.

Chị Trần Ngọc Hân chủ cơ sở chuyên cung ứng và sản xuất mứt kẹo dừa sáp Cẩm Hằng ở khóm 2 thị trấn Cầu Kè huyện Cầu Kè cho biết, mỗi tháng cơ sở cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh trên 7.000 trá. Riêng kẹo dừa sáp cơ sở dùng 5 loại nguyên liệu tạo thành gồm cơm dừa, đường, mạch nha, nếp và nước cốt dừa để tạo ra loại kẹo dẻo béo, vị thơm đặc trưng.

Theo kinh nghiệm của người bán, khi lột bỏ lớp vỏ dừa phía bên ngoài, những trái dừa có gáo nhỏ và đặc ruột, cơm dừa khá dày, mềm dẻo, hương vị thơm và béo hơn dừa bình thường khác, nước dừa đặc sệt và trong trong như sương sa, uống vào có vị ngọt và thanh mát. Còn những trái dừa lớn hơn gọi là dừa sáp lỏng hoặc dừa sáp dẻo, loại này nước nhiều cơm không dẻo ngon bằng dừa sáp đặc, bán giá rẻ hơn. Trong quá trình sử dụng, dừa phải được bảo quản ở nơi thoáng mát, thời hạn sử dụng không quá 30 ngày tính từ ngày hái. Trong thời gian này quả dừa bổ ra sẽ thấy lượng nước dừa bên trong rất ít và sền sệt như kẹo, phần cơm dừa dày, dẻo và thơm ngon.

Theo ban điều phối dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đông bằng Sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh, đơn vị đang hỗ trợ nông dân trồng, đặc biệt là các hợp tác xã về kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, tìm đối tác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để góp phần đưa sản phẩm và những sản phẩm được chế biến như mứt và kẹo ra thị trường bền vững. Nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân, cũng như từng bước khẳng định thương hiệu trái ngon Hòa Tân tại quê hương Cầu Kè.

8 lượt xem | 0 bình luận

Bạn thấy bài viết mang lại giá trị?

Click ngay để cảm ơn tác giả!

Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar