Vài năm trở lại đây, chúng ta thường nghe khái niệm về sản phẩm OCOP trong nông nghiệp. OCOP hiểu theo tiếng Việt tức là mỗi xã một sản phẩm đặc trưng.
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo xu hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đây được coi là giải pháp nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ.
Các chủ thể OCOP bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất… đăng ký sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh tương đương hạng 3 sao, 4 sao và cấp quốc gia là 5 sao.
Việc phân hạng sản phẩm OCOP được căn cứ vào kết quả đánh giá của sản phẩm theo bộ tiêu chí được quy định trong quyết định 1048/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng.
Theo tiêu chí này các cơ sở sản xuất, HTX, các doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất trong nhiều năm qua đã chú trọng đầu tư nâng cao quy trình sản xuất theo cấp độ tiên tiến. Đến nay toàn tỉnh Bình Dương đã có 47 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Một trong những sản phẩm đó là:
1. Cơ sở hồ tiêu lốp Kiết Tường – xã An Điền, thị xã Bến Cát
Với diện tích 1 hecta tiêu lốp được trồng theo phương pháp hữu cơ hoàn toàn. Mỗi năm bón 5-6 lần phân trùn quế, hoàn toàn không sử dụng phân hóa học. Vườn tiêu được canh tác theo phương pháp truyền thống, trồng xen với một số loại cây khác như khoai lang, sả và họ dây leo bầu bí…
Đặc điểm của tiêu lốp là chúng ra trái quanh năm mà không theo mùa vụ. Khi thu hoạch thì người ta lựa những trái già và chín thì hái. Tiêu sau khi hái đưa vào máy sấy với thời gian 12 tiếng là đạt chuẩn khô, sau đó được đưa vào quy trình đóng gói hoàn thiện sản phẩm.
Với diện tích 1 ha vườn tiêu lốp sẽ cho sản lượng khoảng 10 tấn tiêu khô/năm. Nhờ quy trình trồng, thu hoạch và chế biến đơn giản thế này, năm 2022 tiêu lốp Kiết Tường đã được chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh.
2. Trà thảo dược túi lọc – Công ty TNHH TM-DV-SX C.V.C
Đây là sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thô Atiso và nấm linh chi. Sau khi nguyên liệu được đưa vào phối trộn với 10 vị dược liệu khác, sẽ được xay nhuyễn dạng bột và đưa vào dây chuyền đóng gói thành phẩm trà túi lọc. Hiện công ty có 3 dòng sản phẩm chính là trà atiso túi lọc, trà linh chi túi lọc và trà atiso dạng cọng. Trung bình mỗi tháng công ty xuất xưởng khoảng 400-500kg trà thành phẩm đạt giá trị từ 250-300 triệu đồng. Sản phẩm trà túi lọc này đã được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022.
3. Bưởi da xanh Mai Quốc ở huyện Bàu Bàng
Trong nhóm cây có múi, bưởi là loại trái cây được bà con đầu tư trồng chiếm diện tích nhiều nhất của tỉnh. Với hàng trăm hecta bưởi da xanh được đầu tư theo quy trình công nghệ cao được trồng tập trung tại các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng. Một trong những vườn bưởi trồng theo quy trình VietGAP và được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022, đó là trang trại bưởi Mai Quốc huyện Bàu Bàng.
Diện tích 60 hecta bưởi được trang trại Mai Quốc trồng theo quy trình VietGAP theo công nghệ cao. Sản lượng trung bình mỗi hecta đạt 25 tấn/năm.
4. Dưa lưới Kim Long ở huyện Phú Giáo
Cùng với các loại cây trái được sản xuất theo quy trình tiên tiến, sản xuất hữu cơ còn có sản phẩm dưa lưới ở huyện Phú Giáo. Được thành lập từ năm 2016 đến nay, HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long có 55 thành viên với 18 hecta trồng dưa lưới theo quy trình nhà lưới khép kín. Có trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel. Theo quy trình sản xuất này, mỗi ngày HTX thu hoạch và xuất đi hơn 3 tấn dưa lưới cung cấp cho thị trường trong nước. Sản phẩm dưa lưới của HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh được chứng nhận sản phẩm OCOP trong năm 2021.
5. Ổi Thanh Kiên ở huyện Phú Giáo
Ngoài dưa lưới, ở huyện Phú Giáo còn có sản phẩm ổi. Đây là loại trái cây có rất nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ… tốt cho sức khỏe.
Nếu như trước đây trồng ổi theo phương pháp truyền thống năng suất thấp, sâu hại nhiều. Thông thường phải dùng thuốc để diệt trừ các loại sâu, ruồi đục trái làm cho các sản phẩm kém phẩm chất. Làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tất cả các sản phẩm nông nghiệp làm ra không những chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Chính vì vậy, với quy trình sản xuất tiên tiến hiện nay ổi cũng được trồng theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra, đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn của các nước nhập khẩu. Hiểu được xu hướng này, HTX nông nghiệp ổi Thanh Kiên ở xã Phước Hòa huyện Phú Giáo đã tổ chức sản xuất theo xu hướng này và được chứng nhận sản phẩm OCOP vào cuối năm 2022.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP. Bước đầu sản phẩm nông nghiệp ở Bình Dương đã mang lại kết quả rõ nét. Nâng cao được chất lượng, giá trị sản phẩm lên một bước. Tạo đà hướng đến thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân vùng nông thôn.
Việc hoạt động theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết trong sản xuất để có được sản phẩm nông nghiệp tốt, uy tín có thương hiệu trên thị trường, ổn định đầu ra sản phẩm về giá cả, về sản lượng. Từ đó bà con nông dân làm ra sản phẩm có lợi nhuận ổn định. Tạo đà cho chu kỳ sản xuất kế tiếp. Đây là bước phát triển bền vững trong việc tạo ra hàng hóa sản phẩm từ nông nghiệp. Không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu từ sản phẩm nông nghiệp OCOP.