
Mật hoa dừa tươi: Vị ngọt thanh và bổ dưỡng
Vài năm trở lại đây nhiều người tiêu dùng đã biết đến các sản phẩm chế biến từ nước hoa dừa như mật hoa dừa cô đặc, nước giải khát. Với mùi thơm nhẹ, vị ngọt thanh và có nhiều vitamin, khoáng chất. Lại xuất xứ hoàn toàn từ thiên nhiên, mật dừa đang có tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Vì vậy nghề trồng dừa lấy mật đang khiến cho người dân ở huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre ngày càng phát triển hơn.
Là giáo viên tiểu học đang công tác tại xã An Khánh huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre. Ngoài giờ lên lớp thầy giáo Tô Chí Hải trở về với công việc mát xa cho hoa dừa để lấy nước nấu mật hoa dừa, làm nước giải khát. Từ nhỏ Hải thường thấy bà ngoại lấy mật hoa dừa để làm kẹo, nước màu hay bỏ trong tủ lạnh để uống nước giải khát rất ngon, tốt cho sức khỏe. Từ đó Hải có ý tưởng khởi nghiệp từ chính nguyên liệu dồi dào là cây dừa quanh nhà mình.
Đầu năm 2019 dịch bênh Covid bùng phát, nhiều công nhân mất việc làm. Với tinh thần đó Hải quyết định thành lập hộ kinh doanh gia đình để giải quyết việc làm cho người dân, phát triển mật hoa dừa tươi ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với hơn 73.000 hecta, đây được xem là tài nguyên bản địa rất dồi dào ở địa phương. Chuỗi giá trị cây dừa đang được địa phương xây dựng để tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện thầy giáo sinh năm 1991 này phải đối mặt với không ít khó khăn khi thay đổi tư duy truyền thống từ trồng dừa hái trái sang trồng dừa lấy mật. Khó nhất là khâu chế biến bảo quản. Vì thế nguồn nguyên liệu chính là bài toán nan giải để có lượng mật đủ về lượng và chất phục vụ cho sản xuất.
Sau hơn 1 năm liên kết với các hộ dân trồng dừa trong huyện, thầy giáo Tô Chí Hải đã thuê được diện tích 6 hecta dừa xiêm, mỗi ngày thu được 500 lít nước từ hoa dừa tươi. Có được điều này là nhờ dự án của Hải sớm mang lại hiệu quả kinh tế, tạo niềm tin cho nông hộ, góp phần phát triển kinh tế gia đình và nâng cao giá trị cây dừa.
Để lấy được nước hoa dừa, sáng sớm người nông dân sẽ dùng gậy gỗ nhỏ gõ nhẹ vào chùm hoa để kích thích tạo mật. Sau khi gõ thì cắt lát mỏng đầu hoa dừa cho nước mật chảy ra là có thể hứng trực tiếp. Mật hoa dừa có thể uống tươi hoặc là thanh trùng để bảo quản được lâu hơn, giá trị cũng tăng lên nhiều so với trồng dừa lấy trái khi thu mua của người dân 70.000 đồng mỗi bông. Nông dân còn có thêm nguồn thu nhập từ việc lấy mật để giao cho cơ sở mỗi ngày.
Nhờ sự hỗ trợ của một số giảng viên và sinh viên khoa thực phẩm trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, trường đại học Nông lâm TP.HCM. Tô Chí Hải đã đầu tư được hệ thống sản xuất khép kín, quy trình chế biến của Hải được thực hiện bằng máy thanh trùng sốc nhiệt với quy mô nhỏ, công suất khoảng 500 lít/ngày. Sau khi thu hoạch mật sẽ đưa vào máy có bồn chứa làm nóng ở nhiệt độ 65-700 độ C rồi dẫn dung dịch qua bồn làm lạnh khoảng 5 giây để tiệt trùng. Sản phẩm nước giải khát sau khi đóng chai sẽ có thời gian sử dụng 14 ngày, còn mật hoa cô đặc đóng chai có thể sử dụng trong 6 tháng.
Hiện dự án khai thác mật hoa dừa tươi tập trung vào phân khúc nước giải khát. Sản phẩm hiện tại là nước mật dừa tươi đóng chai. Hải đang kinh doanh với quy mô hộ gia đình và đang phát triển thêm nhu cầu của thị trường. Sản phẩm có bán tại các điểm giải khát ven đường và khu du lịch trong địa phương. Thu nhập đạt được trên 30 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân lao động địa phương.
Năm 2020 dự án mật hoa dừa của Tô Chí Hải đã xuất sắc vượt qua hàng trăm dự án khởi nghiệp để góp mặt tại vòng bán kết của cuộc thi dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn do BSA và Trung ương đoàn tổ chức. Tại cuộc thi này, sản phẩm mật hoa dừa tươi của Hải được nhiều thành viên BGK đánh giá rất có tiềm năng để phát triển.
Nguồn: THVL