Long nhãn sấy khô Sông Mã
Cuối năm 2019 tỉnh Sơn La có 12 huyện thành phố tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, với 20 sản phẩm nông sản tiêu biểu được chọn làm trọng điểm. Trong đó long nhãn sấy khô Sông Mã là một sản phẩm triển vọng nhờ điều kiện tự nhiên phù hợp, kết hợp với lối canh tác an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Nhãn Sông Mã sở hữu hương vị thơm ngon, vị ngọt đặc trưng. Đặc biệt khi chế biến quả nhãn tươi thành long nhãn sấy khô còn làm gia tăng giá trị của sản phẩm nhãn Sông Mã. Đến nay cả quả nhãn tươi và sản phẩm long nhãn sấy khô Sông Mã tại Sơn La đều đã vươn ra thị trường thế giới và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tháng 8 hàng năm thủ phủ nhãn Sông Mã bắt đầu vào vụ thu hoạch, từ một khu vực nghèo khó, cây nhãn đã và đang giúp bao hộ dân nơi đây vươn lên làm giàu. Với giá bán ổn định, hơn 6.700 hecta nhãn tại Sông Mã đã mang về cho người dân hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Xác định nhãn là cây chủ lực, những năm qua các cấp chính quyền tỉnh Sơn La đã hỗ trợ thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng vùng tập trung, canh tác nhãn theo tiêu chuẩn Viet GAP để hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhãn được trồng ở Sông Mã chủ yếu là giống nhãn lồng Hưng Yên, được người dân mang lên trồng từ những năm 1961 khi đi khai hoang phát triển kinh tế. Thời đó nhãn được trồng chủ yếu ở các bản ven hai bờ Sông Mã, nơi có người dân Hưng Yên sinh sống. Hiện nay nhãn đã được trồng nhiều trên các sườn đồi, sườn núi. Quả nhãn được được trồng ở đây khi chín có màu nâu vàng, quả to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày, giòn, màu trắng đục, có vị ngọt đậm và thơm dịu…
Dù có nhiều ưu điểm là vậy nhưng quả nhãn Sông Mã nhiều lần phải chịu cảnh được mùa mất giá vì chưa có thương hiệu. Đến năm 2017 nhãn Sông Mã được Cục sở hữu trí tuệ – Bộ khoa học và Công Nghệ công nhận thương hiệu và được Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trao quyết định cấp mã vùng trồng nhãn xuất khẩu cho 3 hợp tác xã với diện tích gần 37 hecta. Từ đó đến nay việc tiêu thụ nhãn đã có nhiều thuận lợi.
Càng vui mừng hơn khi nhãn Sông Mã đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Không dừng lại ở bán quả nhãn tươi, thời gian qua các hợp tác xã còn liên tục tìm tòi đổi mới công nghệ để chế biến quả nhãn tươi thành long nhãn sấy khô.
Trước đây hợp tác xã dùng lò sấy than để sấy long nhãn, nhưng chất lượng mẫu mã không đẹp. Từ năm 2018 đã đầu tư lò sấy hơi để sấy nhãn, trung bình mỗi mẻ nhãn sẽ ra lò sau 12 đến 16 giờ đồng hồ tùy theo nhiệt độ cao hay thấp. Long nhãn sau khi ra lò thường có độ ẩm từ 15-20%, màu chuyển sang vàng nâu, khi ăn có vị ngọt thơm hấp dẫn.
Để quảng bá thương hiệu nhãn Sông Mã đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, hàng năm huyện Sông Mã đã tổ chức ngày hội nhãn sông Mã vào dịp trước mùa thu hoạch nhãn. Thông qua đây người tiêu dùng cả nước có thể biết đến sản phẩm nhãn Sông Mã, từ đây thu nhập của người trồng nhãn ngày một khám khá. Hiện nay trung bình 1 hecta nhãn cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng.
Nhờ chú trọng sản xuất nhãn an toàn mà sản phẩm nhãn sau chế biến như long nhãn sấy khô đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong Đông Y long nhãn là một vị thuốc rất có lợi cho sức khỏe với nhiều tác dụng như bổ tâm tỳ, an thần, lợi khí, dưỡng huyết, làm giảm chứng rối loạn giấc ngủ, thiếu máu, suy nhược cơ thể. Còn một số nghiên cứu hiện đại cho thấy trong long nhãn có chứa Vitamin C, vitamin A rất tốt cho sức khỏe con người. Với cách làm đồng bộ, bài bản, sản xuất theo quy trình Viet GAP, theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường. Sản phẩm nhãn tươi và long nhãn sấy khô sẽ còn vươn xa hơn nữa góp phần phát triển kinh tế bền vững trên miền đất biên cương của tổ quốc.