Làm thế nào để tăng giá trị hạt cà phê Việt Nam từ 5-10 lần?
Dù đứng thứ 2 thế giới về số lượng xuất khẩu cà phê, nhưng hiện Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu có giá bán đắt nhất thế giới. Trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,78 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, giá đạt 2.293 USD/tấn.
Theo hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, chúng ta có tổng diện tích khoảng 700.000 hecta, nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 hecta, chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp. Giá trị bền vững trong lĩnh vực cà phê đã tăng từng năm khoảng 23% trong 2 năm qua, với nhiều chương trình phát triển bền vững. Có điều chúng ta chỉ đang phát triển phần ngọn và chưa quan tâm giải quyết phần gốc.
Nhìn từ góc độ thị trường, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ rằng cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới trong khi thế giới không uống của chúng ta. Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại mạnh về Robusta. Đây là những điều cần phải suy nghĩ.
Thực tế từ việc xuất khẩu, cho thấy ngành cà phê chịu nhiều cạnh tranh nên áp lực sẽ không nhỏ. Do đó phải tập trung xây dựng thương hiệu tốt. Hiện nay rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Như Thái Lan có loại cao cấp bán từ 50-100 USD/ly, phân phối ở các khách sạn 5 sao trên thế giới. Tại Panama có loại cà phê GeiSha được họ truyền thông là trồng trên dãy núi lửa, nên có nhiều công dụng cho sức khỏe, có giá bán rất cao từ 600 USD/kg . Điều đáng buồn là nguồn cà phê thô đó để tạo ra loại cà phê cao cấp lại xuất xứ từ Việt Nam.
Vậy Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới. Theo các chuyên gia, đây là cái chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm. Theo bộ trưởng Lê Minh Hoan, sự đoàn kết từ cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vai trò rất quan trọng. Rất nhiều doanh nghiệp lớn không tham gia hiệp hội cà phê và ca cao Việt Nam. Bộ trưởng dẫn chứng, ngay như con cá tra của đồng bằng Sông Cửu Long, lâu nay thống lĩnh thị trường thế giới, không ai cạnh tranh lại mà có lúc sồi sụt không bền vững. Còn ngành cà phê chịu nhiều cạnh tranh lớn thì sẽ ra sao.
Nhiều ý kiến cho rằng muốn truyền thông điệp tăng giá trị cà phê lên 5-10 lần thì phải định vị lại dòng sản phẩm, xu thế thị trường, nhu cầu thị trường, đẩy mạnh chế biến tinh thì cần phải tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để cung cấp sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó cần sớm giải quyết phần gốc của ngành cà phê như xuất xứ, chất lượng, xây dựng thương hiệu. Ngoài ra nhà nước cần phải có phương án hỗ trợ vốn vay, bởi với mức lãi suất 12%/năm như hiện nay thì rất khó để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển.