Khởi nghiệp với tranh lá bồ đề
Với niềm đam mê sáng tạo, trí tưởng tượng cùng với sự khéo léo. Chị Mai Anh Phương tại Phường Mỹ Hòa TP Long Xuyên tỉnh An Giang đã quyết tâm khởi nghiệp làm ra tranh bằng lá bồ đề. Tuy buổi đầu còn nhiều khó khăn nhưng với ý chí và sự nỗ lực của mình, hơn 1 năm nay chị đã tạo nên những sản phẩm tranh nghệ thuật vô cùng độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao.
Sản phẩm tranh lá bồ đề đã được đánh giá cao tại cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ 5 năm 2021. Được UBND tỉnh An Giang công nhận là 1 trong 14 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022 với 2 sản phẩm tranh lá bồ đề gân nghệ thuật và tranh lá bồ đề khô nghệ thuật.
Là người đam mê nghệ thuật, đặc biệt với dòng tranh thư pháp. Chị thường vẽ tranh trang trí trên các loại cây ăn trái để bán trong các dịp tết nguyên đán. Từ một lần tình cờ nhặt lá bồ đề trong chuyến tham quan, đem về vẽ chữ thư pháp để tặng bạn bè người thân gia đình. Nhận thấy sự yêu thích của người đối với sản phẩm này. Chị Phương đã tìm tòi nghiên cứu và quyết định khởi nghiệp với dòng sản phẩm tranh lá bồ đề.
Chủ đề tranh lá bồ đề do chị Phương làm ra cũng khá đa dạng về chủng loại. Để khách hàng có thể dễ dàng chọn lựa để trang trí trong gia đình, cửa hàng hoặc cơ quan đơn vị. Như tranh vẽ Đức Phạt Thích Ca Mâu Ni, Thư Pháp, hoa bồ đề, cây bồ đề, bướm… Đặc biệt chị Phương hướng tới những sản phẩm mang những thông điệp tích cực về gia đình và cuộc sống. Giúp khách hàng có cái nhìn tích cực lạc quan hơn. Vì thế dù chỉ hơn 1 năm khởi nghiệp, thế nhưng những tác phẩm của chị đã tạo dựng được dấu ấn khác biệt.
Để cho thị trường những sản phẩm tranh lá bồ đề đầy ý nghĩa. Chị Phương mất khoảng 2 tháng để lựa chọn xử lý nguyên liệu. Đầu tiên là khâu chọn lá, chỉ có những chiếc lá già mới được sử dụng. Vì gân lá cứng khó gãy cho độ bền lâu hơn.
Sau khi thu hoạch từ trên cây hoặc nhặt lá đã rụng. Lá bồ đề sẽ được ngâm nước cùng với một ít hóa chất đến khi thịt lá mềm. Sau đó sẽ dùng bàn chải chà nhẹ nhàng lên thân lá để loại bỏ phần thịt, chỉ còn lại phần gân. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, công đoạn tiếp theo là chế tác. Tùy theo ý tưởng mà chị lựa chọn các loại gân lá có kích thước hình dáng thích hợp. Cuối cùng là khâu hoàn thiện sản phẩm, đóng khung hoặc ép nhựa. Các công đoạn đều được thực hiện bằng tay nên mất nhiều thời gian. Đồng thời đòi hỏi sự tỉ mỉ tinh tế của người thực hiện mới cho ra tác phẩm ưng ý.
Theo chị Phương, để hoàn chỉnh một bức tranh lá bồ đề phải mất từ vài ngày đến vài tuần tùy chủ đề, kích thước vào khách hàng đặt. Giá mỗi bức tranh giao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Gởi gắm cả tâm tư và sự sáng tạo vào những bức tranh. Các tác phẩm của chị ngày càng được nhiều người yêu mến. Cũng từ đó, những bức tranh lá bồ đề đầy sáng tạo không chỉ được nhiều người ở địa phương biết tới, mà còn theo chân du khách gần xa đến với nhiều nơi trên cả nước.
Có lẽ đối với nhiều người, ở cái tuổi ngoài 50 sẽ chỉ thích hợp để có thể về hưu chăm sóc gia đình. Nhưng đối với chị Phương thì chẳng bao giờ là quá muộn nếu chúng ta mạnh dạn theo đuổi đam mê và không bao giờ ngừng cố gắng cho dù là lứa tuổi nào. Có thể nói quyết tâm và niềm đam mê của chị đã góp phần truyền cảm hứng cho nhiều người, để họ có thêm niềm tin rằng không có giới hạn nào cho ước mơ, mà chỉ có những rào cản. Chỉ cần bạn có đủ đam mê đủ nỗ lực và quyết tâm mọi ước mơ đều có thể trở thành hiện thực.