Khát vọng nâng tầm cây sa sâm Việt
Sa sâm, một loài cây hoang dại sống lặng lẽ trên những dòng cát, nay đã được những người con quê biển nâng tầm sáng tạo trở thành loài cây có giá trị cao trên vùng đất mặn Thạnh Phú tỉnh Bến Tre.
Sa sâm còn gọi là sâm cát, sâm biển hay xà lách biển. Đều là những tên gọi mà dân xứ biển đặt cho loài cây này. Sinh trưởng trên những dòng cát ven biển, sa sâm là loại cây thân thảo có sức sống tốt. Với nhiều người cây sa sâm vừa quen lại vừa lạ. Quen vì là món rau dân dã mà người xứ biển thường hái về sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Lạ vì ai biết rằng loài cây mọc hoang trên cát này lại là một vị thuốc quý.
Bắt đầu từ niềm đam mê khởi nghiệp mơ ước xây dựng được thương hiệu sản phẩm từ tài nguyên sẵn có của quê hương. Việc nhận ra tiềm năng của cây sa sâm đã thôi thúc anh Phù Tường Nguyên Dũng, một ông chủ gara ôtô có tiếng ở thành phố Bến Tre tìm về với vùng biển Thạnh Phú nắng gió. Dự án khởi nghiệp của anh có tên Bảo tồn nhân giống, phát triển và thương mại hóa cây sa sâm.
Xác định được mục tiêu khởi nghiệp, anh Dũng bắt tay vào việc tìm hiểu cây sa sâm. Sau đó anh về Thạnh Phú tìm thuê đất trồng cây nguyên liệu, có đất anh lại khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu nguồn cây giống. Được biết ở thời điểm hiện tại Việt Nam nói chung cũng như ở vùng biển Bến Tre nói riêng nguồn giống sa sâm chưa ổn định, chủ yếu là cây mọc hoang dọc theo bờ biển. Không nản lòng khó khăn anh Dũng kiên trì thuê người dân địa phương tìm nguồn sa sâm trong tự nhiên mang về ươm lại. Khi cây phát triển tốt mới đem trồng chăm sóc theo quy trình. Nhờ cách làm này đến nay sa sâm giống không còn là mối lo nghĩ của anh Dũng.
Là loại cây hoang dại nên sa sâm không quá khó trồng, nhưng việc trồng sa sâm có thành công hay không còn phụ thuộc vào khâu chăm sóc. Bởi sa sâm là loại cây khó tính nắng không ưa, mưa không chịu. Mưa quá cây bị úng, nắng quá cây khó phát triển. Do vậy với 2 mùa mưa nắng anh Dũng đều có kỹ thuật riêng để chăm sóc sa sâm. Để sa sâm giữ được giá trị dinh dưỡng và phẩm chất giống như cây sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, trong quy trình trồng anh Dũng luôn tuân thủ theo phương pháp hữu cơ.
Tùy vào điều kiện thổ những mà chất lượng cũng như dược tính của sa sâm ở từng nơi sẽ khác nhau. Thường sa sâm trồng được 3 tháng là đã có thể cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch đợt đầu người ta bón phân chăm sóc khoảng 20 ngày nữa thì lại có thể thu hoạch đợt tiếp theo. Trung bình sau 1 năm mới phải cải tạo đất và trồng mới hoàn toàn. Đó là tình hình khi thời tiết thuận lợi, nếu gặp mưa bão thất thường mọi công sức của người nông dân coi như mất trắng.
Không chỉ phát triển cây sa sâm cho việc riêng của mình. Anh Dũng hướng dẫn nông dân Thạnh Phú nhân rộng nguồn nguyên liệu, qua đó tạo sinh kế mới cho cư dân miền biển.
Khi phát triển cây sa sâm, thoạt đầu anh Dũng chỉ nghĩ đến việc làm ra một loại nước giải khát để bán cho khách du lịch. Nhưng càng hiểu về sa sâm, một loại cây có dược tính không thua kém gì một loại sâm quý khác. Anh Dũng càng nung nấu suy nghĩ làm ra nhiều sản phẩm có giá trị cao hơn nữa. Trong đó sản phẩm đầu tiên anh nghĩ đến đó là bột sa sâm.
Sau khi thu hoạch, sa sâm được phân loại làm sạch, để làm sạch sa sâm được đưa vào bồn rửa có sục khí nhằm loại bỏ đất cát rồi chuyển qua bồn ngâm ozone trong một khoảng thời gian nhất định. Tiếp đó sa sâm được đưa vào sấy lạnh trong thời gian 14 tiếng rồi đem nghiền và xay nhuyễn thành bột. Để làm bột người ta chỉ sử dụng loại nguyên liệu duy nhất là lá sa sâm. Trung bình 17kg lá tươi sẽ cho ra 1kg bột thành phẩm. Từ sản phẩm bột sa sâm ban đầu, anh Dũng phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm khác như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chăm sóc da mặt, trà túi lọc, tinh chất bột sâm, sâm sữa dừa, sâm ca cao. Đây đều là những nguyên liệu sẵn có tại quê hương anh. Chắc rằng với những sản phẩm được làm từ sản vật quê hương, anh muốn giúp đời sống người dân ngày càng đổi mới. Sản phẩm sa sâm Thạnh Phú Bến Tre ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng.
Không chỉ dùng lại ở việc bảo tồn, nhân giống, phát triển và thương mại hóa sản phẩm. Công ty sa sâm Việt của anh đang nuôi khát vọng vươn xa hơn nữa đó chính là phát triển sa sâm gắn với phát triển du lịch Bến Tre nói chung và du lịch Thạnh Phú nói riêng. Biến vùng quê biển Thạnh Phú trở thành làng du lịch mang tên sa sâm Việt. Để làm được điều đó chắc chắn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước nhưng tin rằng với tình yêu quê hương, niềm đam mê khởi nghiệp. Khát vọng ấy sẽ sớm trở thành hiện thực.
Nguồn: Sa sâm Việt/THVL