Khám phá làng nghề đúc đồng Trà Đông
  1. Home
  2. Gốm Sứ - Mỹ Nghệ
  3. Khám phá làng nghề đúc đồng Trà Đông
editor 3 năm trước

Khám phá làng nghề đúc đồng Trà Đông

Nhờ tâm huyết của những nghệ nhân tài hoa, ngày nay nghề đúc đồng Trà Đông dần được khôi phục. Các sản phẩm làm ra vẫn giữ được nét độc đáo, đặc trưng mà không nơi nào sánh được, nghề đúc đồng làng Trà Đông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xứ Thanh, một vùng đất có nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng gắn với kỹ thuật chế tác đồ đồng đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Thời các vua hùng dựng nước, nghệ thuật đúc đồng đã in dấu ở nơi này và trở thành nhu cầu cho đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt cổ và cho đến tận hôm nay.

Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 12km về phía Tây, xã Thiệu Trung huyện Thiệu Hóa là một vùng đất giàu truyền thống, đã có cư dân sinh sống đông đúc từ lâu đời. Xã Thiệu Trung xưa kia là đất Kẻ Chè, được coi là vùng đất đế vương, có thế ngũ mã phi tiền tam voi phục ngự hầu. Đất Kẻ Chè ngày nay là làng Trà Đông còn có tên gọi Chè Đúc bởi làng có nghề đúc đồng cổ truyền nổi tiếng.

Theo truyền thuyết, thánh sư Khổng Minh Không, người đúc thành công An Nam Tứ Đại Khí đã truyền nghề cho hai anh em ruột người họ Vũ ở làng Chè. Hai ông này đã mang nghề đúc đồng về truyền lại cho bà con trong làng. Từ đó ở làng Chè có câu “đất họ Lê nghề họ Vũ”. Có nghĩa là đất do dòng họ Lê khai phá, nghề do họ Vũ truyền lại.

Qua nhiều thăng trầm, nghề đúc đồng ở Trà Đông vẫn được lưu giữ với những công đoạn thủ công, thực hiện theo phương thức truyền thống cha truyền con nối. Khâu quan trọng nhất là tạo ra các hoa văn họa tiết tinh xảo, tỷ lệ hài hòa với kích thước trống khiến sản phẩm giữ được nguyên bản dáng vẻ thần thái của trống Đông Sơn xưa.

lư đồng thờ tự - nghề đúc đồng Trà Đông
Lư đồng thờ tự – một sản phẩm của làng nghề đúc đồng Trà Đông

Nói về cảnh lao động của những người thợ đúc Đồng, trong làng có câu ca dao từ xa xưa còn truyền tụng:

“Muốn uống nước chè cặm tăm
Mời về Trà Đúc mà làm đất khuôn
Muốn ăn cơm trắng với tôm
Thổi bễ thúc dồn chớ có nghỉ tay”

Nghề đúc đồng ở Trà Đông không khai thác nguyên liệu ở các mỏ quặng đồng, mà chủ yếu tận dụng nguồn đồng thứ phẩm từ các nơi mua về, từ những vật liệu thô sơ đơn giản chỉ là phế liệu, qua bàn tay của những người thợ mà trở thành những sản phẩm mang giá trị văn hóa lịch sử. Đó chính là điều khiến bao thế hệ thợ đúc đồng Trà Đông tự hào.

Đúc đồng là cả một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều công đoạn khác nhau. Không chỉ đòi hỏi ở trình độ cao mà còn thử thách sự kiên trì bền bỉ của những người thợ. Bởi vậy mà người dân Trà Đông vẫn luôn nhắc nhở con cháu câu nói về tính bí truyền của nghề đúc đồng “Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”.

Nghề đúc là vậy, nghệ nhân phải đào luyện cả đời những kỹ thuật đúc và chạm khắc, phải lao tâm khổ tứ để giữ nghiệp gia đình. Những kiểu dáng hoa văn họa tiết của trống đồng Đông Sơn Ngọc Lũ một thời đã sống dậy qua những chiếc trống đồng của làng Trà Đông. Những chiếc trống đồng quý đạt về độ chuẩn mực về cả dáng và âm thanh để mỗi chiếc trống khi đánh lên có âm vang hào hùng rộn rã, nghệ nhân cần phải có kinh nghiệm thẩm âm tài tình.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu chính là người đầu tiên ở làng trà Đông đúc thành công một chiếc trống đồng. Gần 40 năm làm nghề, ông được ví như người giữ hồn trống đồng ở Trà Đông.

Nhờ niềm đam mê tâm huyết của các nghệ nhân mà trải qua bao thăng trầm, nghề đúc đồng truyền thống ở làng Trà Đông vẫn phát triển cho đến hôm nay. Những chiếc trống đồng, cồng chiêng, tượng đồng, đồ thờ tự lư đồng Trà Đông hội tụ bao nét đẹp của văn hóa và nghệ thuật, là tinh hoa của nghề đúc đồng cổ truyền.

Với tinh thần khám phá chiếm lĩnh kỹ nghệ chế tác đồng thau của người xưa. Những hậu duệ của làng đúc đồng Trà Đông vẫn đang tiếp nối mạch nguồn sáng tạo của cha ông, đưa kỹ thuật đúc đồng đạt đến đỉnh cao mới. Nơi đây những nghệ nhân tài hoa và tâm huyết đã làm nên linh hồn cho một mảnh đất giàu truyền thống, khẳng định sức sống của một làng nghề nổi tiếng xứ Thanh.

10 lượt xem | 0 bình luận

Bạn thấy bài viết mang lại giá trị?

Click ngay để cảm ơn tác giả!

Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar