- Home
- TRẢI NGHIỆM-ĐÁNH GIÁ
- Kẹo sô-cô-la Kimmy made in Vietnam của doanh nhân Bùi Durassamy có gì khác biệt?
Kẹo sô-cô-la Kimmy made in Vietnam của doanh nhân Bùi Durassamy có gì khác biệt?
Sô-cô-la vốn đã quen thuộc với khách sành ăn, công nghệ chế biến của phương Tây đã đạt đến đỉnh cao của sự chuyên nghiệp. Vậy sô-cô-la Kimmy Made in Việt Nam có gì khác biệt?
Ca Cao vốn là một nguồn nguyên liệu quý sử dụng để phục vụ nhu cầu ẩm thực của con người. Ở các nước phương Tây ca cao được sử dụng phổ biến trong ngành chế biến thực phẩm, trong đó đặc biệt có các loại kẹo sô-cô-la danh tiếng.
Ở Việt Nam ca cao được trồng nhiều ở các tỉnh Miền Tây, nhiều nhất là ở Tiền Giang và Bến Tre, tuy nhiên chủ yếu để xuất khẩu thô. Ở Miền Tây, người dân đốn rồi trồng, trồng rồi đốn vốn là một điệp khúc kéo dài đã nhiều năm. Với cây ca cao, ông Sammy muốn làm khác đi, từ thợ cơ khí nay chuyển sang làm kẹo ắt hẳn không dễ dàng, huống chi ông còn lạ nước lạ cái trong đường đi nước bước tìm nguyên liệu.
Kể từ khi mẻ sô-cô-la đầu tiên được ông thử nghiệm thành công trên đất Tiền Giang, những thanh sô-cô-la được ông mang tặng người nông dân trồng ca cao, qua đó giúp họ hiểu hơn về giá trị sản phẩm trồng trọt của chính mình. Ứng dụng kiến thức cơ khí, ông ngày đêm nghiên cứu mày mò tự chế tạo ra hệ thống thiết bị máy móc làm kẹo cho riêng mình. Ông hiểu rằng chỉ có sự kiên trì và làm đam mê mới có thể giúp ông thành công trong việc theo đuổi ước mơ làm kẹo sô cô la củ mình.
Nghề làm kẹo sô-cô-la chính thức ra đời, người trồng ca cao không còn sợ cảnh ế hàng dội chợ nữa. Nhiều điểm thu mua ca cao, sơ chế hạt ca cao mở ra làm nên nhịp sống mới cho nhà nông. Trái ca cao tươi được bổ ra tách lấy hạt trở thành nguồn nguyên liệu bắt đầu cho một quy trình làm kẹo sô-cô-la bài bản.
Yếu tố quan trọng tạo nên hương vị kẹo sô cô la thành phẩm đó chính là công đoạn ủ hạt thời gian 6 ngày, đúng ngày đúng giờ hạt ủ được mang ra sân đem phơi dưới ánh nắng trời, rồi mang đi rang khô. Để có nhân ca cao, hạt ca cao được tách vỏ lụa, sau khi tách vỏ thợ còn phải lựa vỏ lụa thêm một lần nữa, sao cho nhân ca cao phải thật sạch, thật thơm rồi cho vào máy nghiền thô thành dạng nhão.
Ca cao nhão có thể dùng để ép lấy bơ và bột ca cao. Bơ ca cao dùng làm mỹ phẩm hay sô-cô-la trắng. Còn ca cao nhão được đem nghiền rồi ủ trong vòng 24 giờ và đem phối trộn để làm thành kẹo sô-cô-la 55%, 65%, 75%, 85%. Ca cao nhão cũng được sử dụng để làm sô-cô-la sữa hoặc đen. Sau khi phối trộn sẽ đưa vào phòng lạnh để đổ khuôn cho ra thành phẩm. Việc đổ khuôn đòi hỏi nhiệt độ môi trường phải đúng quy định để mỗi thanh kẹo thành hình đều đạt được độ mịn như nhau.
Những hạt ca cao đậm đà hương vị đã chuyển hóa thành những dòng sữa nâu thơm lừng, hóa thân thành những thỏi kẹo tinh túy, bao bì mẫu mã hấp dẫn tự hào mang thương hiệu Made in Vietnam.
Sô-cô-la vốn đã quen thuộc với khách sành ăn, công nghệ chế biến của phương Tây đã đạt đến đỉnh cao của sự chuyên nghiệp. Vậy sô-cô-la Miền Tây Việt Nam có gì khác biệt?
Sự khác biệt là hương vị, là khách tham quan được tận mắt chứng kiến quy trình làm kẹo sô cô la tay ngang độc đáo của doanh nhân Việt gốc Ấn. Thưởng thức kẹo họ còn cảm nhận được sự vất vả của người nông dân cũng như sự nhanh nhạy của người sản xuất nên dòng kẹo riêng biệt này. Nhìn bên ngoài khách hàng không dễ phân biệt đâu là hàng nhập khẩu, đâu hàng Việt Nam.
Từ một loại nông sản bấp bênh, nay người nông dân trồng ca cao đã có thể yên tâm hơn với mảnh vườn của mình. Ưu điểm của loại cây này khá nhẹ công chăm sóc, gia đình neo đơn, nông dân lớn tuổi vẫn có thể an tâm canh tác.
Hiểu được giá trị và nỗi niềm của người nông dân là những điều ý nghĩa để ông Sammy kết nối thành công quy trình làm kẹo với vùng cây nguyên liệu. Chính ông cũng là người giúp nông dân hiểu rõ hơn về giá trị của loại nông sản mà họ đang sản xuất, biết thưởng thức hương vị loại kẹo thơm ngon đậm đà do người Việt làm nên.
Hơn 40 năm bôn ba nơi xứ người nay trở lại và ở lại với quê hương. Doanh nhân Bùi Durassamy đã một lòng dành tình yêu cho đất mẹ. Mong muốn câu chuyện làm kẹo sô-cô-la được lan tỏa và thương hiệu được kế thừa bởi người trẻ ở Miền Tây của ông. Đang trở thành sự gieo mầm cho một nhịp sống mới nơi đồng bằng châu thổ Sông Cửu Long.