Bánh đa vừng là một trong những món quà quê dân dã rất phổ biến, là một đặc sản được tạo nên từ những thành quả lao động của người nông dân cần cù chịu thương chịu khó. Từ đó đã nuôi lớn và neo giữ biết bao tâm hồn của người Việt với quê hương.
Phát huy được thế mạnh này, bánh đa vừng Minh Thúy được xem là một sản phẩm chất lượng nhờ sự kết hợp giữa bí quyết gia truyền và dây chuyền sản xuất tiên tiến đã tạo nên hương vị đặc trưng riêng.
Vào những thời điểm nắng nóng cũng là giai đoạn băng chuyền sản xuất của cơ sở bánh đa vừng Minh Thúy tại thôn Trung Trinh xã Việt Tiến huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh hoạt động hết công suất. Liên tục những chiếc bánh nóng hổi ra lò mang theo cả tâm sức thành quả lao động của người dân. Từ việc tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi khô cho đến việc đưa vào máy nướng bằng lò điện. Tất cả đều được thành thục trong một chuỗi quy trình khép kín.
Sản phẩm cuối cùng sẽ có hương vị thơm ngon, đẹp mắt cả màu sắc và hương vị khi thưởng thức, sẽ tác động trực tiếp vào vị giác bởi sự giòn rụm, hương vị bùi béo ngậy của vừng của gạo và một chút đậm đà của muối.
Để làm ra những chiếc bánh đa vừng thơm ngon khác biệt, quy trình sản xuất phải trải qua rất nhiều công đoạn kỹ càng. Trước hết phải chọn loại gạo Khang Dân hạt tròn chắc mẩy, chất lượng. Gạo được ngâm qua đêm vò sạch rồi xay thành bột. Vừng cũng được lựa chọn ngâm đãi kỹ càng. Cuối cùng thêm tỉ lệ muối thích hợp rồi sẽ tiến hành tráng bánh. Với những yêu cầu khắt khe trong quá trình sản xuất, bánh đã vừng Minh Thúy đã trở thành sản phẩm được người dân Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận lựa chọn tin dùng.
Việc đặt sức khỏe của người tiêu dùng lên ưu tiên hàng đầu, sản phẩm bánh đa vừng Minh Thúy luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn 3 không, đó là không sử dụng chất bảo quản, không hàn the và không chất phụ gia. Nhờ đó sản phẩm ngày càng được thị trường gần xa đón nhận.
Từ chỗ sản xuất chủ yếu bằng thủ công, đến nay các công đoạn sản xuất ra sản phẩm bánh đa vừng Minh Thúy đã được tự động hóa, không ngừng đầu tư bài bản từ nguồn nguyên liệu đầu vào. Nhờ đó sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Điều này có ý nghĩa trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống trên hành trình xây dựng quê hương mạnh giàu.