Nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên tỉnh An Giang đã được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm dù sản lượng làm ra không nhiều, nhưng chính hương vị thơm ngon rất riêng đã được lòng thực khách trong và ngoài nước.
An Giang được xem là vùng đất có nền văn hóa giao thoa mạnh mẽ của nhiều dân tộc như Kinh, Hoa, Chăm và Khmer. Nhờ những lợi thế này mà người dân nơi đây đã có những sản vật độc đáo chứa đựng những tinh hoa của dân tộc và tạo ra những sản phẩm độc đáo. Một trong số đó là đường thốt nốt sệt truyền thống Khmer đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền, đạt sản phẩm OCOP 4 sao và đang trong quá trình phân hạng vào nhóm sản phẩm 5 sao tiềm năng.
Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nguyên liệu từ thiên nhiên, không hóa chất, không bảo quản, không pha trộn, được nấu 100% từ nước lấy ở cuống hoa thốt nốt. Đặc biệt là sản phẩm đều được đóng gói ở trong hủ thủy tinh và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Đạt được chứng nhận OCOP 4 sao cũng đã giúp sản phẩm ngày càng nâng cao chất lượng, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.
Các khâu trong quá trình sản xuất đường thốt nốt truyền thống rất nghiêm ngặt. Người dân đi lấy mật bắt buộc phải lấy từ sáng sớm để mật không bị chua. Họ lấy mật thốt nốt sử dụng gỗ sến để hạn chế sự lên men chua của nước hoa thốt nốt. Gỗ sến có vị đắng nên giúp hạn chế được quá trình lên men, do nguyên liệu tự nhiên nên gỗ sến chỉ giúp hạn chế lên men tối đa trong 8 tiếng. Do đó sản phẩm phải được nấu liền ngay sau đó. Tất cả các khâu đều không sử dụng bất kỳ hóa chất hay phụ gia nào, nhằm đảm bảo hương vị tự nhiên và an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người tiêu dùng.
Sản phẩm đường thốt nốt sẽ luôn giữ được hương thơm, vị ngọt thanh đặc trưng và còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin tự nhiên có trong hoa thốt nốt như sắt, kali, vitamin C, vitamin B, nổi bật trong đó là Vitamin B12 với hàm lượng rất cao. Dù là sản phẩm mới nhưng sau 4 năm tồn tại, với định hướng phát triển bền vững, đường thốt nốt của người dân Khmer dần khẳng định được vị trí trên thị trường, góp phần đưa đặc sản vùng Bảy Núi vươn xa.
Từ một nghề truyền thống lâu đời với các sản phẩm quen thuộc, nhờ vào bàn tay và khối sáng tạo. Những người dân Khmer tại vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang đã giữ gìn được nghề truyền thống, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, nâng tầm cây thốt nốt của địa phương.
Hiện sản phẩm đường thốt nốt sệt truyền thống đã được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch và siêu thị trên địa bàn các thành phố lớn. Người tiêu dùng quan tâm cũng có thể đặt qua các sàn thương mại điện tử.
Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu, từng bước thực hiện liên kết sản phẩm với các hộ dân nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu an toàn chất lượng. Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường cho sản phẩm đường thốt nốt, cần tích cực tham gia vào các thị trường mới, triển lãm quảng bá sản phẩm không chỉ ở các siêu thị trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài.