Chế biến sâu để nâng tầm giá trị cho sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, được xem là quốc bảo của Việt Nam. Cây sâm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thay đổi đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình ở 7 xã của huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên hiện nay các hộ dân đều bán sâm thô để ngâm rượu hoặc mật ong. Số người trồng sâm còn hạn chế chỉ khu biệt ở tại vùng núi Ngọc Linh. Sau gần 7 năm thực hiện đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay tỉnh Quảng Nam đề xuất với chính phủ triển khai chương trình sâm Quốc gia. Đây là bước đi mới nhằm nâng tầm hiệu quả thương hiệu sâm Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My vừa tổ chức đầu tháng 3 năm 2022, sau 2 ngày mở cửa các hộ trồng sâm đã bán được 25kg sâm tươi thu về hơn 3 tỷ đồng. Ngoài sâm tươi, các sản phẩm chế biến chế biến từ sâm chỉ có sâm ngâm rượu và sâm ngâm mật ong. Vì vậy người trồng sâm mong muốn phải có ngành chế biến sâm chuyên sâu để nâng tầm giá trị cây sâm Ngọc Linh thay vì bán thô như hiện nay.
Những năm gần đây huyện Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam đã mời gọi nhiều doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất dược liệu tham gia vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh. Tính đến nay đã có hơn 20 doanh nghiệp đã đầu tư trồng sâm và chế biến sản phẩm đặc hữu của quốc gia. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh thành sâm Việt Nam vừa được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ.
Gần đây tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng mở đường lên vùng sâm, quy hoạch vùng trồng sâm gốc lên 45.000 hecta. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thành công từ việc trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại 6 huyện miền núi sẽ là cơ sở dể di thực sâm Ngọc Linh ra 122 huyện trên cả nước.
Theo đề án sâm quốc gia, đến năm 2045 sản lượng sâm trồng trên toàn quốc có thể đạt 1.000 tấn mỗi năm, đủ sức cạnh tranh với sâm Hàn Quốc. Theo chương trình phát triển sâm quốc gia, đến năm 2030 nguồn vốn đầu tư 24.000 tỷ đồng, ngoài ngân sách địa phương thì sự đóng góp của các doanh nghiệp được xem là nguồn lực chính. Sẽ có ít nhất 100 sản phẩm gồm dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống được bào chế từ cây Sâm Ngọc Linh. Tỉnh Quảng Nam đang phấn đấu trở thành vùng trọng điểm trồng và chế biến sâm của Quốc gia.