Con đường khởi nghiệp của “Chúa sông Bắc Kỳ” Bạch Thái Bưởi
Bạch Thái Bưởi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo họ Đỗ ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Sớm phải vào đời bươn chải để kiếm kế sinh nhai, ông đi làm thuê cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền. Nhờ thông minh nhanh nhẹ lại giỏi tiếng Pháp nên ông đã được chọn làm người giới thiệu sản phẩm tại hội chợ của Pháp.
Về nước với chút kiến thức quý báu thu được trong chuyến Tây du này, ông đã quyết định xin thôi việc để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh độc lập của mình. Vào thời gian này người Pháp đang chuẩn bị xây dựng cầu Long Biên và mở tuyến đường sắt. Không thể bỏ lỡ cơ hội, Bạch Thái Bưởi xin vào làm đốc công và hùn vốn với một người Pháp chuyên khai thác gỗ bán cho Sở Hỏa xa Đông Dương để làm tà vẹt. Suốt 3 năm vất vả lăn lội khắp núi rừng, Bạch Thái Bưởi đã khiến Sở Hỏa xa phải hài lòng. Và từ đây cái tên Bạch Thái Bưởi chính thức được nhiều tầng lớp nhân dân Hà Nội biết đến. Sự hiện diện những nhịp cầu Long Biên thế kỷ XX bắc qua Sông Hồng đã và mãi mãi lưu giữ bước khởi nghiệp của Bạch Thái Bưởi, một thương nhân năng động và giàu trí tiến thủ trên đất Kinh Kỳ.
Sau lần kinh doanh này, ông tiếp tục rót vốn vào thu mua ngô cung cấp cho một hãng buôn của Pháp. Nhưng không may gặp năm mất mùa bị thua lỗ nặng, quyết giữ chữ tín ông chủ động đền bù. Việc làm này là mở đầu nét văn hóa kinh doanh tiến bộ trong con người Bạch Thái Bưởi. Không nản lòng với thất bại, ông tiếp tục tìm cơ hội và thắng thầu hiệu cầm đồ rồi thu thuế ở chợ Vinh, Nam Định, Thanh Hóa. Có thêm vốn liếng và kinh nghiệm, ông nghĩ ngay đến vận tải thủy. Chính nghề sông nước này đã tạo nên duyên nghiệp của đời ông, khiến ông trở thành một nhân vật không chỉ vinh danh đất Hà thành mà tiếng thơm còn truyền khắp đất nước. Càng tìm hiểu càng khâm phục khát vọng làm giàu của cụ.
Sự nghiệp của Bạch Thái Bưởi bắt đầu từ năm 1909 khi ông một mình dũng cảm tham gia đường thủy. Lĩnh vực này xưa nay là độc quyền của người Hoa và người Pháp. Bước đầu ông thuê lại 3 chiếc tàu của người Pháp rồi đổi tên tàu thành Phi Long, Phi Phụng và Bái Tử Long đưa vào khai thác các tuyến Nam Định – Hà Nội, Nam Định – Bến Thủy. Việc đổi tên tàu đã thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc và nó đã theo ông trong suốt cuộc đời.
Cuộc cạnh tranh giữa ông với các chủ tàu người Pháp, người Hoa diễn ra rất quyết liệt. Cuối cùng ông đã thắng lợi khi khéo léo vận dụng tinh thần dân tộc, lòng tương thân tương ái trong mỗi người Việt. Ông cho phổ biến các câu ca dao, hò vè, quảng cáo, cho căng khẩu hiệu “Người ta đi tàu ta” đây có thể là tiền đề cho phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau này.
Từ sự thành công này ông có đủ khí và lực mua lại tàu của công ty Pháp, công ty người Hoa bị phá sản. Rồi trở thành ông chúa tàu xứ Bắc Kỳ. Ông dần mở rộng khắp Đông Dương và các nước lân cận như Hong Kong, Trung Quốc, Nhật, Singapore… Tại đầu cầu Chương Dương, phía sau cột đồng hồ đã có thời người ra vào tấp nập, bởi đây là một trong những trụ sở lớn của công ty vận tải Bạch Thái Bưởi.
Ngọn lửa khát khao làm giàu, một ý thức tự cường dân tộc luôn bùng cháy trong ông. Năm 1915 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử ngành đóng tàu Việt Nam, khi mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của công ty Pháp ở Hải Phòng. Tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến sửa chữa và đóng mới.
Năm 1916 ông thành lập công ty mới mang tên Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái công ty với lá cờ màu vàng, có hình mỏ neo và 3 ngôi sao đỏ. Màu vàng tượng trưng cho màu da người Việt, mỏ neo thể hiện lĩnh vực kinh doanh, 3 ngôi sao tượng trưng cho 3 miền Bắc Trung Nam. Thể hiện ý chí thống nhất quốc gia đã ăn sâu vào tiềm thức con người ông. Cũng trong thời gian này ông đã cho ra đời con tàu đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế và thi công mang tên Bình Chuẩn, hạ thủy ngày 7/9/1919.
Ngoài vận tải đường thủy, ông còn thành công kinh doanh văn hóa. Ông đã đầu tư xây dựng công ty in và xuất bản Bạch Thái Bươi, sau đổi thành Đông Kinh Ấn Quán xuất bản tơ Khai hóa nhật báo với tông chỉ “giúp đồng bào ta tự khai hoá, dạy bảo lẫn nhau… mở mang con đường thực nghiệp”. Ông đã góp phần thổi luồng gió mới vào nhận thức của nhiều tầng lớp nhân dân Hà Nội bấy giờ.
Ngày 22.7.1932, Bạch Thái Bưởi nhà doanh nhân bền chí quả cảm bậc nhất của nước Việt đầu thế kỷ XX đã qua đời, để lại cho lịch sử doanh nhân Việt Nam một tên tuổi đã trở thành huyền thoại.
Nguồn: trích Ký Ức Hà Nội