Từ những hạt gạo, những bát cơm gần gũi đã tạo nên đặc sản cơm sấy, món ăn mộc mạc dân dã, rất hợp khẩu vị với nhiều người. Nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm, cơ sở sản xuất cơm sấy Hưng Thịnh đã mang về cho quê hương Quỳnh Bà một sản phẩm OCOP chất lượng từ những nguyên liệu vô cùng quen thuộc.
Nhắc đến Quỳnh Lưu Nghệ An người ta sẽ nghĩ ngay đến biển và những sản vật từ biển. Đây cũng là vùng đất trù phú với những cánh đồng lúa mênh mông, từ hạt lúa đã tạo nên sản phẩm thơm ngon được nhiều người biết đến đó là cơm sấy, một món quà vặt rất dễ gây nghiện.
Cơm sấy hay còn gọi là cơm cháy, là món quà vặt dùng để ăn chơi được làm từ hạt cơm, chà bông và các loại gia vị. Để làm ra bánh cơm sấy thơm ngon cần trải qua khá nhiều công đoạn. Gạo sau khi chọn lọc được trộn với một phần nhỏ gạo nếp vo sạch để nấu thành cơm chín. Đây là nguyên liệu chính để chế biến thành cơm sấy.
Cơm sau khi nén chặt thành dạng miếng tròn sẽ được cho vào máy sấy, sấy ở nhiệt độ 80-100 độ trong thời gian từ 3-4 tiếng đồng hồ. Những bánh cơm được sấy khô này được để nơi sạch sẽ khô thoáng trong vòng nửa tiếng, sau đó đem chiên vàng. Công đoạn chiên rất quan trọng, người thợ phải biết rõ được nhiệt độ phù hợp để bánh không bị cháy và làm sao cho thẳng đẹp không bị cong, nếu không cẩn thận thì bánh sẽ bị vỡ ra. Sau khi chiên xong đến công đoạn tẩm gia vị lên mặt bánh. Công đoạn cuối cùng là đóng gói thành phẩm.
Nghề làm cơm sấy được chủ cơ sở học hỏi trong một chuyến vào Miền Nam. Mong muốn thử nghiệm một nghề mới trên quê hương, năm 2013 ông về Quỳnh Bá xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc và đào tạo thêm công nhân để bắt đầu hành trình với những bánh cơm sấy.
Hiện mỗi ngày cơ sở Hưng Thịnh sản xuất từ 300 đến 400 bánh cơm sấy, tương đương từ 30-40kg gạo nguyên liệu. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… mang lại doanh thu khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.