Chè Shan Tuyết cổ thụ: Vàng sánh như mật ong rừng, vị thơm ngon hảo hạng
Cây chè Shan thường mọc ở khu vực có độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, luôn có mây mù trắng như tuyết bao phủ. Đặc biệt khả năng chịu lạnh rất tốt, nên người ta gọi là chè Shan Tuyết.
Chè Shan kén khí hậu và thổ nhưỡng lại được trồng tự nhiên không phân bón hóa chất. Tại tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà được đánh giá là địa phương nổi tiếng với những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Những cây chè này hiện nay được bảo tồn và là nơi cung cấp nguồn giống bản địa cho người dân trong vùng.
Chè Shan Tuyết khi pha nước chè có màu xanh nhạt quyện lẫn màu vàng nhạt như mật ong rừng, không những có hương vị thơm ngon đặc biệt mà còn có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe người sử dụng. Đây được ví là loại trà vạn người mê, là tinh hoa của núi rừng Tây Bắc.
Ở nước ta chỉ có một số địa phương ở vùng núi phía Tây Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai hay Sơn La mới có loại chè này. Chính vì vậy nó rất quý và hiếm. Từ tháng 3 dương lịch chè Shan Tuyết bắt đầu cho thu hoạch khác với giống chè công nghiệp trồng ở vùng Trung Du Bắc Bộ. Chè San Tuyết ở các địa phương được thu hái bằng phương pháp thủ công duy nhất đó là hái trực tiếp bằng tay.
Năm 2016, cây chè Shan Tuyết tại Suối Giàng, Văn Chấn tỉnh Yên Bái được công nhận là “cây Di sản Việt Nam”. Quần thể cây chè cổ thụ ở đây có tuổi đời từ 100 đến 300 năm, trải qua hàng trăm năm gắn bó với đời sống của cộng đồng người dân tộc Mông, cây chè đã được bà con chăm sóc và phát triển. Xã Suối Giàng hiện có khoảng 500 hecta chè Shan, sản lượng búp tươi hàng năm khoảng 400-500 tấn.
Không biết từ khi nào cây chè Shan Tuyết đã bén rễ lên vùng đất Tây Bắc. Trải qua lịch sử phát triển, hiện nay những cây chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn đang xanh tốt. Từ năm này qua năm khác những cụ chè vẫn đâm chồi nảy lộc non xanh.
Cũng từ những cây chè Shan cổ thụ, những vùng chè Shan mới được nhân giống và phát triển. Trở thành một sản phẩm gần gũi gắn liền với đời sống văn hóa của người dân bản địa ở khu vực Tây Bắc.