CEO Vinamilk: ‘Tôi không lo bị soán ngôi đầu ngành sữa’
Bà Mai Kiều Liên cho biết bình quân mỗi năm thị phần của Vinamilk tăng 1% và đang có chiến lược phát triển thị trường trong nước cùng với thúc đẩy kinh doanh quốc tế.
Giữa làn sóng hàng nghìn doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, thua lỗ đậm hay thậm chí đứng trên bờ vực phá sản vì “cú sốc” Covid-19, Vinamilk lội ngược dòng thông báo doanh thu tăng trưởng dương. Chìa khóa của thành công này, theo bà Liên, đến từ việc doanh nghiệp dự liệu tốt tình hình để tích trữ nguyên liệu và nhanh nhạy chớp thời cơ khi nhiều thị trường xuất khẩu đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chia sẻ với trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên, bà Liên khẳng định nhiều mục tiêu khác chẳng những không bị ảnh hưởng mà còn tăng trưởng khả quan. Kế hoạch nằm trong top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh số vẫn đúng tiến độ, thậm chí có thể đến sớm hơn.
Lúc đại dịch bùng phát, điều gì khiến bà lo lắng nhất?
Covid-19 là một trong rất nhiều biến cố bất ngờ ập đến, buộc ai cũng phải ứng biến. Mỗi thời kỳ có những thách thức khác nhau nên tôi cũng không dám khẳng định đây là thách thức lớn nhất trong mấy chục năm làm kinh doanh của mình.
Chỉ có điều khi đối diện với nó, tôi lo nhiều thứ, mà hơn hết là sức khoẻ của người dân và nhân viên Vinamilk. Tiếp đến tôi cũng lo dịch bệnh có tràn lan, mất kiểm soát rồi ảnh hưởng đến sức mua hay không bởi vì đó là nguồn sống, quyết định sự tồn tại của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Hoạt động xuất khẩu năm ngoái đóng góp 15% vào tổng doanh thu. Trong bối cảnh “ngăn sông cách chợ” vì dịch bệnh thì Vinamilk bị ảnh hưởng thế nào?
Vinamilk bắt đầu xuất khẩu từ những năm 90 của thế kỷ trước nên rất nhiều kinh nghiệm. Sản phẩm đến nay có mặt trên kệ hàng 53 quốc gia, có những nơi rất rủi ro vì mới thâm nhập, nhưng một số nơi khác lại rất tiềm năng vì quy mô thị trường quá lớn.
Tôi luôn nghĩ mình là một mắt xích trong chuỗi giá trị, cứ làm tốt về giá, chất lượng và dịch vụ thì trước sau cũng chiếm được thị trường xuất khẩu. Ban đầu có thể khó khăn vì đối thủ trong ngành hàng này rất nhiều, nhưng cứ từ từ, xác định thế mạnh của mình ở đâu rồi hãy bước vào.
Phương châm hoạt động của tôi mấy chục năm nay là bao giờ cũng phải đi bằng hai chân. Chân ở nội địa phải vững chắc, đáp ứng nhu cầu cho nguời dân rồi mới tính đến chuyện vươn ra nước ngoài. Đợt dịch này sức mua giảm, nhưng chúng tôi vẫn cải thiện được doanh thu và sản lượng tiêu thụ.
Còn xuất khẩu, nói bạn chắc có thể không tin chứ Vinamilk không bị ảnh hưởng gì mà còn tăng trưởng tốt. Cụ thể là trong quý I, chúng tôi thu gần 1.100 tỷ đồng từ hoạt động này, hơn cùng kỳ 8% nhờ các thị trường ở Trung Đông dẫn dắt. Ước tính đến thời điểm hiện nay, con số này là 13%.
Hai lý do của sự thành công này là chúng tôi chủ động trong chuỗi cung ứng, dự trữ nguyên liệu và những thị trường nào bị đứt gãy chuỗi cung ứng thì mình có thể chào hàng ngay, vừa đáp ứng được chất lượng tốt vừa cạnh tranh về giá cả.
Bà vừa nhắc đến vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều nơi trên thế giới. Vậy Vinamilk có những bước chuẩn bị thế nào để đảm bảo hoạt động sản xuất luôn liền mạch?
Việt Nam không có lợi thế về khí hậu, kinh nghiệm để chăn nuôi bò sữa nên tôi luôn nhấn mạnh với các cộng sự là phải chủ động nguyên liệu. Vinamilk vẫn duy trì song song ba kênh là nhập khẩu, hợp tác với nông dân và trang trại tự phát triển.
Chúng tôi đang có nhà máy tại Mỹ, Campuchia, New Zealand và mới đây cũng khởi công trang trại đầu tiên có quy mô 8.000 con thuộc tổ hợp trang trại bò sữa Lao – Jagro tại Lào. Gần nhất, Vinamilk và Mộc Châu Milk “về chung một nhà”, với đàn bò 25.000 con của Mộc Châu Milk đang khai thác sữa thì có thể yên tâm về vùng nguyên liệu.
Tính đến nay, tổng đàn bò do Vinamilk quản lý lên đến 150.000 con. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày thu được trên một triệu lít và đủ đáp ứng nhu cầu phát triển mọi sản phẩm từ sữa tươi, sữa chua, kem…
Nhưng rõ ràng sức ép cạnh tranh trong thị trường ngày càng lớn. Bà nghĩ sao về trường hợp Vinamilk bị những doanh nghiệp cùng ngành soán ngôi đầu thị phần sữa nội địa?
Lo lắng luôn luôn có, nhưng tôi chỉ lo mất thị phần chứ còn soán ngôi đầu thì không. Trong kế hoạch phát triển hàng năm, tôi coi thị phần là quan trọng nhất vì chỉ số này thể hiện sức khoẻ của doanh nghiệp. Doanh thu có thể giảm lúc sức mua xuống, hoặc mình điều chỉnh giá để kích cầu. Tuy nhiên, nếu thị phần tăng thì ắt doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng.
Với quy mô hiện tại, cách tốt nhất để Vinamilk tăng nhanh thị phần là thâu tóm các đối thủ ở phân khúc tầm trung hoặc thấp. Quan điểm của bà về điều này thế nào?
Tăng trưởng của công ty nào cũng thế, đến từ rất nhiều nguồn. Bản thân chúng tôi cũng phải phấn đấu tăng thị phần, tăng doanh số thông qua mua bán sáp nhập hoặc hợp tác chiến lược. Tôi không muốn dùng từ thâu tóm vì nghe nó nặng nề và nhạy cảm. Tôi nghĩ nên gọi là hợp tác, bởi mọi thương vụ đều xuất phát từ sự đồng thuận của hai bên.
Vinamilk đứng một mình cũng được, các doanh nghiệp đối thủ đứng một mình cũng không sao. Nhưng nếu đứng cùng nhau mà sức mạnh tăng gấp đôi, gấp ba thì tại sao lại không thử?
Khi về cùng một nhà, hai doanh nghiệp sẽ tập trung kinh tế để cùng nhau phát triển. Tôi luôn tin và dám cam kết Vinamilk mang lại cho đối tác sáp nhập là thị trường tiêu thụ. Chúng tôi cũng giúp họ quản trị tốt hơn, tái cơ cấu theo hướng tiết kiệm chi phí và hoạt động có hiệu quả. Nhân sự cũng giữ nguyên, sau đó đào tạo và hướng dẫn họ thấy rằng khi doanh nghiệp sáp nhập vào Vinamilk thì công ăn việc làm vẫn thế.
Ví dụ như trường hợp Vinamilk mua cổ phần của GTNFoods, những kỳ vọng ban đầu về thương vụ này vẫn không thay đổi sau 5 tháng. So sánh bây giờ có phần khập khiễng vì ngay sau khi tiếp quản công ty này là dịch bệnh bùng phát, nhưng tạm thời khi đưa vào những tiêu chuẩn quản trị tốt hơn thì thị phần bắt đầu tăng trở lại và lợi nhuận cũng cải thiện.
Cách đây ba năm, Vinamilk công bố chiến lược sẽ nằm trong nhóm 30 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh số. Bà đánh giá tiến độ thực hiện mục tiêu này thế nào?
Trước mắt, có thể thấy những sự kiện bất khả kháng đầu năm không tác động xấu tới Vinamilk mà ngược lại có thể giúp chúng tôi hoàn thành kế hoạch vì nhiều công ty đối thủ đang tăng trưởng chậm lại, thậm chí không tăng trưởng. Khi có tin vui, Vinamilk sẽ công bố chính thức.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên theo hình thức trực tuyến ngày 26/6, Hội đồng quản trị Vinamilk sẽ trình kế hoạch tăng trưởng dương dù bối cảnh kinh doanh vẫn khó khăn vì dịch bệnh. Theo đó, mục tiêu doanh thu năm nay tăng 5,7% lên 59.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 1,6% lên 13.000 tỷ đồng.
Vinamilk dự kiến chia cổ tức bằng tiền hai đợt với tỷ lệ 30%, đồng thời phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5:1 (tức mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phần sẽ nhận một cổ phần phát hành thêm.
Nguồn: VnExpress