Cá thát lát Tân Hậu Giang
Ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, nơi nào cũng có sự hiện diện của cá nàng hai, hay có tên gọi phổ biến là cá thát lát. Do khai thác quá mức nên nàng hai ngày càng vắng bóng ngoài tự nhiên. Nhiều địa phương nỗ lực nghiên cứu lai tạo nhưng không hiệu quả.
Năm 2001 tỉnh Hậu Giang nhân giống thánh công và trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước cho cá nàng hai sinh sản. Cũng theo kết quả nghiên cứu của trường đại học Cần Thơ, hàm lượng đạm thô trong thịt cá nàng hai Hậu Giang chiếm 18%. Trong khi ở các địa phương khác chỉ đạt 16%. Nguyên do Hậu Giang nằm ở vùng trũng, được xem như rốn cá đồng bằng cùng với thổ nhưỡng tích hợp của vùng sông Hậu. Vì vậy chất lượng thịt ở nơi đây có nhiều ưu điểm hơn như da trắng sáng, thịt có màu vàng hồng, sớ thịt mịn, hàm lượng protein và chất béo thô cao hơn.
Theo trang web ẩm thực Việt Nam, thịt cá dẻo, dai dai, mềm thơm ngon có thể chế biến thành 263 món ăn từ sự kết hợp độc đáo của các nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Cát thát lát Hậu Giang đã được Cục Sở Hữu Trí Tuệ bảo hộ về thương hiệu. Tỉnh Hậu Giang có 12 doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn với trên 20 sản phẩm từ tươi sống cho đến sản phẩm khô như cát thát lát rút xương, chả cá tươi, chả cá thát lát tẩm gia vị, khổ qua rừng nhồi cá thát lát, chả cá thát lát tươi muối sả ớt, bánh phồng chả cá thát lát. Mới đây chả cá thát lát Hậu Giang lọt vào top 100 món đặc sản quà tặng Việt Nam. Tất cả tạo đà cho cá thát lát tiến sâu hơn vào thị trường du lịch và trở thành sản phẩm hấp dẫn cho Hậu Giang.
Hơn 20 năm gắn với loài thủy sản nước ngọt, thương hiệu cá thát lát Tân Hậu Giang không ngừng vươn tầm khẳng định chất lượng. Từ những mặt hàng truyền thống như chả cá thát lát nạo, đến nay cơ sở đã xây dựng thành công 6 sản phẩm đạt danh hiệu OCOP 3 sao đến 4 sao, mẫu mã đa dạng từ sấy khô đến đông lạnh. Thuận lợi cho du khách làm quà mang về mỗi khi du lịch sông nước Miền Tây.
Đến nay cơ sở cá thát lát Tân Hậu Giang đã mở rộng quy mô trở thành công ty chuyên phân phối các sản phẩm từ cá thát lát. Công ty cũng tham gia trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh. Doanh nghiệp cũng đang định hướng khai thác du lịch với các địa điểm lân cận trên địa bàn gắn liền với các hoạt động tham quan trải nghiệm quy trình nuôi cá thát lát ngoài tự nhiên cho đến cách chế biến từ tận bàn ăn.