Cà phê Arabica đặc trưng bởi vị chua thanh, đắng nhẹ và có cả hương thơm trái xoài và chuối quyến rũ. Loại cà phê đặc sản nổi tiếng nhất của Sơn La là cà phê mật ong, đã chinh phục được những khách hàng khó tính nhất.
Nói đến cà phê made in Vietnam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các tỉnh thành Tây Nguyên như ĐắkLắk, Gia Lai, Kontum, Lâm Đồng… ít ai biết rằng ở Tây Bắc có một vùng đất được ví là thủ phủ cà phê Arabica của cả nước. Đó là tỉnh Sơn La, Sơn La đang nổi lên là vựa nông sản lớn nhất ở khu vực các tỉnh phía Bắc, trong đó có sản phẩm cà phê.
Cà phê có mặt tại Sơn La từ những năm 1945, do một người dân bản địa xin giống về trồng tại vườn nhà. Sau hơn 70 năm, cây cà phê Arabica đã trở thành cây trồng chủ lực tại nhiều vùng cao của tỉnh Sơn la. Với tổng diện tích hơn 20.000 hecta, được mệnh danh là thủ phủ của cà phê Arabica của Việt Nam, sản lượng trên 30.000 tấn mỗi năm.
Cà phê chè Arabica có mùi thơm như hoa quả, đắng nhẹ. Cây cà phê Arabica của Sơn La hiện đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đem lại giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định vị trí trên bản đồ cà phê thế giới.
Khác với cà phê Robusta chỉ thích hợp 500-1.000m, cây cà phê Arabica lại có đặc tính ưa vùng núi cao. Đặc biệt là nơi có độ cao trên 1.500m. Đây cũng được mệnh danh là cà phê ngon nhất thế giới. Tại Việt Nam trong khoảng trên 35.000 hecta, thì Sơn La chiếm tới gần 2/3 diện tích cà phê Arabica của cả nước. Quyết định chuyển từ trồng sắn, ngô sang trồng cây cà phê trên đất đồi dốc đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân bản Hua La thành phố Sơn La.
Một trong những doanh nghiệp đi đầu và chủ lực về chế biến cà phê Arabica Sơn La đó là HTX cà phê Bích Thao. Được thành lập từ 2007, với mục tiêu khai thác tiềm năng lợi thế của cây cà phê Arabica, ông Nguyễn Xuân Thao đã tập hợp 11 thành viên để hợp tác, chế biến và xuất khẩu loại cà phê hảo hạng này.
Những hạt cà phê đều tăm tắp, căng bóng được rang đều trong chiếc máy rang cà phê tự động. Để nâng cao chất lượng cà phê, ngay từ khâu trồng đến khâu chế biến rang xay, hợp tác xã cà phê Bích Thao đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại được nhập khẩu hoàn toàn từ Đức. Mỗi mẻ cà phê rang mất thời gian từ 14-15 phút cho đến khi cà phê có màu cánh gián thì sẽ đạt chất lượng tốt nhất.
Hiện tại sản phẩm cà phê Arabica của HTX chủ yếu là ca phê thóc, cà phê nhân, cà phê bột được sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu trồng đến khâu thu hái, chế biến và đóng gói. Ngoài chế biến rang xay phục vụ trong nước, HTX chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân sang thị trường các nước như EU, Đức hay Panama… Để xuất khẩu sang những thị trường khó tính này, HTX Bích Thao đã đầu tư máy tách màu, phân loại hạt ca phê để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, HTX cà phê Arabica Bích Thao đã trồng thử nghiệm 10 hecta cà phê Arabica hữu cơ. Ngoài ra bao tiêu sản phẩm cho 800 hộ dân với diện tích 1.500 hecta. Khi các nông hộ tham gia vào hợp tác xã, họ sẽ phải tuân thủ yêu cầu khắt khe hơn, trước đó là phải hái chín và chuyển dần sang hướng canh tác cà phê hữu cơ. Đặc biệt đây sẽ là sản phẩm chủ lực trong chương trình mỗi xã phường một sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.
Từ 2018 HTX cà phê Bích Thao đã mời chuyên gia cà phê từ nước ngoài để tư vấn và chuyên giao kỹ thuật, từ đó cho ra nhiều loại cà phê đặc sản như cà phê mật ong. Phương pháp sản xuất loại cà phê này là chỉ chọn những quả chín khi hái, lúc đó hàm lượng đường trong quả cà phê sẽ ở mức cao nhất và đạt chất lượng tốt nhất để đưa vào chế biến. Khác với chế biến truyền thống, để sản xuất loại cà phê mật ong thì quả cà phê còn tươi sẽ được đưa vào máy xát vỏ, chất nhầy dính hoàn toàn trên hạt cà phê được trải lên các dàn phơi đón ánh nắng tự nhiên trong nhà kính. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chu kỳ phơi khô thông thường mất từ 7-9 ngày.
Trong niên vụ 2018, HTX cà phê Bích Thao đã sản xuất được 18 tấn cà phê mật ong, cho lợi nhuận 600 triệu đồng. Sản phẩm này chủ yếu cung cấp cho các chuỗi cửa hàng sạch trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đức, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo tính toán, cà phê mật ong cho lợi nhuận cao gấp 5 lần so với cà phê được chế biến thông thường. Giá trị cao, nhưng để đầu tư vào chế biến loại cà phê này thì tốn nhiều công sức và tiền bạc. Vì vậy sản lượng loại cà phê này vẫn còn khá khiêm tốn.
Dù vậy với giá thu mua 9.000 đồng/kg cà phê quả tươi chín để chế biến theo phương pháp cà phê mật ong, cao hơn 3.000 so với cách thu hái thông thường, HTX ca phê Bích Thao đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và tiếp cận gần hơn với những phương pháp trồng cà phê giá trị cao hơn so với trước kia. Đặc biệt năm 2017, cà phê Sơn La đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra chất lượng Arabica của địa phương này cũng dần khẳng định được thương hiệu, đây là những lợi thế của ngành nông nghiệp địa phương đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ đó thúc đẩy chương trình mỗi xã phường một sản phẩm ngày càng phát triển.
Việc cà phê Bích Thao áp dụng thành công phương pháp chế biến chè phê mật ong, đã mang đến nhiều niềm vui cho người trồng cà phê của tỉnh Sơn La nói riêng và lĩnh vực chế biến nông sản nói chung. Ngoài các sản phẩm cà phê Arabica truyền thống, sản phẩm cà phê mật ong mang thương hiệu Sơn La sẽ tiếp tục vươn xa trên toàn cầu, mang về những mùa vàng cho người nông dân.