Bánh tét Trà Cuôn: Thơm dẻo, béo bùi và đẹp mắt
  1. Home
  2. Ẩm Thực Ba Miền
  3. Bánh tét Trà Cuôn: Thơm dẻo, béo bùi và đẹp mắt
editor 4 năm trước

Bánh tét Trà Cuôn: Thơm dẻo, béo bùi và đẹp mắt

Từ một món ăn truyền thống, đòn bánh Tét Trà Cuôn đã trở thành thứ hàng hóa đặc sản hấp dẫn không chỉ ở người tiêu dùng địa phương mà còn là khoái khẩu của nhiều du khách phương xa.

Để cung cấp đủ bánh tét đến người tiêu dùng, Trà Cuôn đã hình thành nên làng bánh tét sản xuất theo phương pháp truyền thốngxây dựng thương hiệu cho đòn bánh tét Trà Cuôn quê nhà.

Từ thành phố trà Vinh xuôi theo Quốc lộ 53 hướng ra biển đông hơn 10km, cái mùi thơm ngào ngạt từ những đòn bánh tét Trà Cuôn đã lan vào khứu giác khách phương xa. Những đòn bánh tét đủ kích cỡ đua nhau mời gọi cùng thưởng thức. Bao ký ức tuổi thơ chợt ùa về, nhớ sao không gian chiều 30 ngồi bên nồi bánh tét chờ giao thừa để điểm năm mới.

Không phải ngẫu nhiên mà đòn bánh tét Trà Cuôn ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh nổi tiếng đến vậy. Đây là kết quả của sự kết hợp tuyệt vời từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương và qua nhiều năm mày mò thử nghiệm cải tiến trong quá trình nấu bánh.

Nghề gói bánh tét Trà Cuôn ngày xưa xuất phát từ gia đình bà Thạch Thị Lết ở xã Hiệp Hòa. Nhờ tuân thủ cách gói bánh thủ công và không sử dụng các chất phụ gia nên đòn bánh tét Trà Cuôn hội tụ đủ các hương vị dẻo, thơm, ngọt, bùi nên ăn rất vừa miệng. Cái hương vị ấy đã vang danh đến tận ngày nay.

Thăm quan cách gói bánh ở đây mới thấy hết sự công phu của người làm ra từng đòn bánh, tất cả phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình gói và nấu bánh. Đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu, nếp làm bánh phải là nếp sáp ở địa phương, sau đó đem vo sạch khoảng 5 nước rồi để ráo. Để có được mùi thơm nhẹ và màu xanh đọt chuối bắt mắt bà con không dùng phẩm màu mà sử dụng rau bồ ngót, loại nguyên liệu thiên nhiên rất có ích cho sức khỏe người tiêu dùng. Nếp và rau bồ ngót trộn vào nhau cho thật đều trước khi gói. Một công đoạn khác quyết định chất lượng đòn bánh chính là khâu ướp và trộn nhân. Đó là sự kết hợp của đậu xanh, thịt heo, lòng đỏ trứng vịt muối và các gia vị như hành, muối, đường theo một tỷ lệ nhất định.

Đây là điểm khác biệt của mỗi lò bánh được các thế hệ trong mỗi gia đình truyền lại cho nhau. Đặc biệt khi gói bánh bà con phải cột sao cho không quá chặt cũng không quá lỏng tránh trường hợp bánh không để được lâu. Đây cũng là bí quyết làm cho bánh tét Trà Cuôn để được 5-7 ngày vẫn không hư hỏng.

Bánh làm xong được cho vào nồi lớn và phải để bánh dựng đứng nấu gần một buổi bánh mới chín. Khi nấu bánh lúc đầu phải để lửa to cho nồi sôi nhanh một chút, sau đó rút bớt lửa cho nước sôi liu riu, giúp độ nóng lan tỏa bánh sẽ chín đều. Nếu muốn giữ được màu xanh thì nên cho một ít vỏ đậu xanh vào nồi nước và để nước ngập bánh. Khi bánh chín vớt bánh ra rổ cho ráo nước và để nguội.

Bánh tét là loại bánh xưa nay rất thuận tiện cho bà con nông dân. Dù làm mất thời gian nhưng làm một lần rất nhiều đòn lại để dành ăn được lâu mà không bị hư. Nên thời kháng chiến bà con ta dùng loại thức ăn này gửi cho bộ đội như là món ăn đặc trưng.

Khi ăn sẽ cảm nhận được vị bùi của hột vịt muối, độ mềm dẻo của nếp, mùi thơm của lá bồ ngót và vị béo của những miếng thịt mỡ. Nhờ hương vị thơm ngon đó mà bánh tét Trà Cuôn đã vang danh khắp các địa phương trong cả nước.

Huyện Cầu Ngang đã xây dựng thương hiệu cho đòn bánh tét Trà Cuôn, vừa chắp cánh cho hương vị bánh tét lan xa hơn nữa, vừa giúp làng nghề phát triển bền vững góp phần nâng cao đời sống người làm bánh.

Ngày nay bánh tét Trà Cuôn không chỉ được đưa vào hệ thống siêu thị mà còn được xuất khẩu sang các quốc gia có cộng đồng người Việt để bà con xa quê có cơ hội thưởng thức một trong những hương vị quê nhà thân yêu.

5 lượt xem | 0 bình luận

Bạn thấy bài viết mang lại giá trị?

Click ngay để cảm ơn tác giả!

Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar