Bạc Liêu đẩy mạnh liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP
  1. Home
  2. KẾT NỐI-TIÊU THỤ
  3. Bạc Liêu đẩy mạnh liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP
editor 2 năm trước

Bạc Liêu đẩy mạnh liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Góp phần thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khi sản phẩm đặc trưng của địa phương được nâng tầm.

Sau 4 năm triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm được đánh giá như một luồng gió mới trong phát triển kinh tế Nông Thôn ở Bạc Liêu. Tuy nhiên, bên cạnh thành công đã đạt được, việc phát triển ồ ạt các sản phẩm khiến nhiều địa phương, cũng như các chủ thể gặp khó trong khâu tiêu thụ, xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm.

Bạc Liêu hiện có 108 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao. Trong đó có 85 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 23 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao. Đây là lợi thế lớn cho các sản phẩm khi tiếp cận thị trường tiêu thụ. Thế nhưng, nhiều năm nay sản phẩm chỉ tiêu thụ tại chỗ. Sản lượng sản phẩm không thể gia tăng nên quy mô sản xuất của các chủ thể cũng không thế mở rộng hơn.

Theo đánh giá của ngành chức năng, chương trình OCOP đã khai thác và khơi dậy phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhất là trong sản xuất nông nghiệp. 

Các sản phẩm ngày càng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua thống kê cho thấy sau khi được công nhận, sản lượng sản phẩm, lượng hàng hóa tiêu thụ gia tăng từ 10 đến 20% so với trước khi chưa được công nhận là sản phẩm OCOP.

Một số thương hiệu sản phẩm của Bạc Liêu như tôm nguyên con đông lạnh, các sản phẩm chế biến từ tôm, mực, cá, muối Bạc Liêu đã vào được hệ thống một số siêu thị trong và ngoài tỉnh. Cũng như được xuất khẩu sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu.

Mặc dù đã được những kết quả tích cực, nhưng qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP của tỉnh Bạc Liêu còn tồn tại khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là phần lớn các sản phẩm được sản xuất theo phương thức thủ công quy mô hộ gia đình, sức cạnh tranh thấp. Số lượng sản phẩm OCOP có trên 100 nhưng chỉ đạt ở cấp độ từ 3 đến 4 sao. Chỉ một số sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu khách hàng ngoài nước. Còn lại hầu hết đều sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng chỉ đáp ứng nội địa.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả chương trình mang lại trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm, đẩy mạnh quá trình số hóa, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm. Cùng với đó tăng cường xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm OCOP. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến.

Việc đặt các gian hàng quảng bá, bán các sản phẩm, các đặc sản Bạc Liêu ở các tỉnh thành phố trên cả nước cùng hứa hẹn sẽ mở đường cho các sản phẩm Bạc Liêu bay cao bay xa.

Địa điểm đầu tiên được các chủ thể Bạc Liêu thống nhất mở các gian hàng là thủ đô Hà Nội. Theo các chủ thể, vấn đề họ rất quan tâm lâu nay là đầu ra cho các sản phẩm. Tuy nhiên với quy mô sản xuất nhỏ, tiềm lực yếu, tài chính không đủ lớn họ khó có thể mở đường đi xa cho sản phẩm. Khi kết nối các chủ thể lại với nhau giúp họ tự tin hơn vì có thể tiết kiệm các chi phí vận chuyển, vừa đa dạng sản phẩm cung cấp người tiêu dùng lựa chọn.

Việc liên kết, xây dựng gian hàng giới thiệu bán các sản phẩm tại thủ đô Hà Nội được xem là bước khởi đầu quan trọng, mang lại tiềm năng và hi vọng lớn cho các sản phẩm của Bạc Liêu trong tương lai.

6 lượt xem | 0 bình luận

Bạn thấy bài viết mang lại giá trị?

Click ngay để cảm ơn tác giả!

Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Chức năng bình luận hiện chỉ có thể hoạt động sau khi bạn đăng nhập!