Nghề ba khía muối Cà Mau: Từ ý tưởng đến thương hiệu
Con ba khía gắn bó từ bao đời nay đối với người dân miệt rừng ngập mặn Cà Mau, nhờ có mùi vị đậm đà đặc trưng. Các món ăn dân dã được chế biến từ ba khía, đặc biệt là ba khía muối giờ đây đã nổi tiếng trên nhiều vùng miền khắp cả nước.
Giữa năm 2020, nghề muối ba khía Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau được Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch cấp giấy chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay ở tỉnh Cà Mau có khoảng hơn 400 hộ duy trì các nghề sản xuất chế biến từ con ba khía, đặc biệt là ba khía muối.
Với bà con thì việc duy trì nghề không chỉ để giúp quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Trong nỗ lực đó có sự đóng góp của đôi vợ chồng trẻ ở xứ Đầm Dơi, họ đã khởi nghiệp thành công từ nghề ba khía muối.
Ngay từ nhỏ con ba khía đã để lại nhiều ấn tượng với chị Trần Thị Xa, ba khía có sẵn trong rừng đước. Nhiều bà con tranh thủ những lúc nông nhàn mà bắt để bán ở chợ quê. Có nhiều cách chế biến ba khía, nhưng muốn để được lâu thì ba khía phải muối.
Đặc sản ba khía muối nổi tiếng của vùng đất Cà Mau, thế nhưng vẫn chưa thể phát triển xa hơn bởi chưa xây dựng được thương hiệu một cách bài bản.
Xây dựng thương hiệu cho đặc sản quê nhà, cách làm quá mới mẻ và còn khá xa lạ với bà con vùng nông thôn. Chính từ thay đổi này, con ba khía muối Đầm Dơi đã vượt ra khỏi các chợ truyền thống để phân phối tại 27 tỉnh thành và xuất khẩu đến 5 quốc gia trên thế giới. Để làm được điều này, chị Xa đã có một thay đổi lớn trong cách chế biến ba khía.
Với sự phát triển của công nghệ truyền thông hiện nay, chị Xa đã tận dụng kênh mạng xã hội để quảng bá cho sản phẩm của mình. Không chỉ giúp nhiều người biết đến sản phẩm mà chị có điều kiện thuận lợi hơn trong việc xây dựng thương hiệu Ba Khía muối Đầm Dơi. Chính cách làm này đã mang lại lợi nhuận cho cơ sở hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cơ sở của chị cũng giúp giải quyết việc làm cho khoảng trên 50 lao động ở địa phương làm nghề bắt ba khía, với thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Góp phần giảm tỷ lệ lao động rời quê đi làm ăn xa.
Thành công bước đầu chính là động lực giúp chị Xa tiếp tục nung nấu những bước đi xa hơn cho sản phẩm ba khía muối. Vừa gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa giúp phát triển kinh tế tại địa phương.